Ngày 31/7, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức mở 3 gói thầu chuyển giao quyền thu phí đường bộ có thời hạn trên quốc lộ 1A và quốc lộ 18.
Đây là những tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng xe lớn, vì thế vụ đấu thầu lần này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Báo cáo thống kê cho thấy, cả nước có hơn 17 nghìn km quốc lộ, 23 nghìn km đường liên tỉnh, 50 nghìn km đường huyện và 151 nghìn km đường xã. Hiện có hơn 70 trạm thu phí đường bộ đã được lập trên các tuyến đường, mỗi năm thu về cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, để huy động thêm nhiều nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục thí điểm mô hình đấu thầu quyền thu phí trên nhiều tuyến đường. Điều này phù hợp với chủ trương bán quyền thu phí đường bộ được Chính phủ đồng ý từ năm 2004.
Xã hội hóa quyền thu phí
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã từng thí điểm đấu thầu chuyển giao quyền thu phí đầu tiên tại quốc lộ 5 vào năm 2005. Tuy nhiên, đợt thí điểm đã không thành công sau 4 năm gián đoạn.
Lần này Cục Đường bộ Việt Nam khởi động lại công tác xã hội hóa quyền thu phí bằng việc tiếp tục mở thầu 3 gói thầu trên quốc lộ 1A và quốc lộ 18, đợt đấu thầu chuyển giao quyền thu phí lớn nhất từ trước tới nay.
Ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lần này sẽ đấu thầu rộng rãi, có 2 trạm thu phí đường bộ nằm trên quốc lộ 1A và 1 trạm thu phí trên quốc lộ 18, với cùng thời gian chuyển giao là 5 năm (60 tháng). Theo đó, trên quốc lộ 1A (Trạm thu phí Hoàng Mai tại Km 393 + 400 tại tỉnh Nghệ An có giá khởi điểm khoảng 170 tỷ đồng và Trạm thu phí Bàn Thạch tại Km 1350 + 150 tại tỉnh Phú Yên có giá khởi điểm khoảng 180 tỷ đồng.
Trạm thu phí đầu tiên trên quốc lộ 18, trục đường nối 2 đỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh) được mở thầu là Trạm thu phí Bãi Cháy tại Km 114 + 700 (Quảng Ninh), có giá khởi điểm khoảng 230 tỷ đồng.
Trong số 3 trạm được đem ra bán quyền thu phí lần này, trạm Bàn Thạch vừa được Cục Đường bộ Việt Nam đầu tư 20 tỷ đồng để có thể thu phí bằng thẻ tự động với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.
Ngoài ra, đợt đấu thầu lần này có 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, giá trị hợp đồng chuyển giao quyền thu phí không được điều chỉnh trong suốt thời hạn hợp đồng. Thời gian chuyển quyền thu phí là yếu tố duy nhất được điều chỉnh trong trường hợp lãi suất tiền vay và tiền gửi do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam công bố.
Thứ hai, đơn vị trúng thầu là đơn vị có giá bỏ thầu cao nhất so với giá khởi điểm. Về vấn đề này, ông Đức cho rằng: Nếu các cuộc đấu thầu được thực hiện thành công, sau 1 năm kể từ ngày hợp đồng được ký kết, chúng tôi sẽ có gần 600 tỷ đồng để có thể tung vào các dự án hạ tầng cấp bách do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
“Mở cửa” hút vốn
Như vậy, các điều kiện dự thầu lần này đã khác so với đợt đấu thầu chuyển giao quyền thu phí lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005.
Đó là việc Cục Đường bộ Việt Nam mở rộng cửa cho tất cả các thành phần kinh tế, bất kể doanh nghiệp tham gia có kinh nghiệm thu phí hay chưa. Theo đó, điều kiện cần và đủ duy nhất để các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân tham gia dự thầu là không bị các cơ quan có thẩm quyền nhà nước kết luận về tình hình tài chính và có bảo đảm dự thầu với giá trị 1 tỷ đồng.
Theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thì do giá bỏ thầu là tiêu chí quan trọng nhất để xác định người trúng thầu. Vì thế, sẽ đẩy cao tính cạnh tranh, nhờ đó tất cả gói thầu đều có sức hấp dẫn lớn.
Theo đại diện của Bộ Giao thông Vận tải, việc dần dần chuyển giao quyền thu phí đường bộ sẽ tạo ra một kênh huy động vốn nữa để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Bởi Nhà nước sẽ thu trước số vốn đã đầu tư và chuyển giao quyền thu phí có thời hạn cho đơn vị trúng thầu.
Ngoài ra, hình thức này có thể xóa tình trạng thất thoát khi thu hồi vốn đầu tư bởi có sự tham gia kinh doanh, kiểm tra, đánh giá của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate