Những nỗ lực vượt đỉnh của VN-Index vẫn không đem lại kết quả dứt khoát. Thị trường trồi sụt với thanh khoản tăng mạnh thể hiện có lượng hàng lớn đang thoát ra. Sáng nay áp lực này đã mạnh lên rõ rệt, đẩy giá lùi dần xuống làm co hẹp độ rộng chung, đồng thời bẻ hướng VN-Index quay đầu giảm trong khoảng 30 phút cuối.
Điểm nhấn chính là thanh khoản, tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tiếp tục tăng 12% so với sáng hôm qua, đạt 9.783 tỷ đồng, mức cao nhất 11 phiên. HoSE tăng hơn 11%, đạt 8.706 tỷ đồng. Mức thanh khoản cao này sẽ tốt hơn nếu như cổ phiếu không bị tụt giá nhiều như vậy.
VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h50, tăng 0,47% so với tham chiếu, độ rộng ghi nhận 256 mã tăng/137 mã giảm. Tuy nhiên chỉ trong những phút còn lại, các blue-chips đồng loạt lao dốc, trong đó có nhiều trụ lớn, nhanh chóng “dìm” Vn-Index giảm 0,05%, tương đương mất 0,54 điểm. Độ rộng co hẹp lại còn 190 mã tăng/208 mã giảm. Như vậy cả trăm cổ phiếu thay đổi giá xanh đỏ trong thời gian này.
VN30-Index kết phiên sáng vẫn tăng 0,27% so với tham chiếu nhưng độ rộng đã hẹp nhiều, còn 10 mã tăng/19 mã giảm. VCB giảm 0,6%, VIC giảm 0,76%, VHM giảm 0,54%, CTG giảm 0,68%, GVR giảm 0,78% gây sức ép lớn. Mức giảm này chưa lớn vì thời gian giảm cũng ngắn. Tuy vậy thanh khoản tăng tới 61% trong rổ này phản ánh áp lực bán đã mạnh đáng kể so với sáng hôm qua. Phiên sáng hôm qua tình thế ngược lại, nhóm blue-chips đi ngang với nền giá cao. Rõ ràng là cách thức giao dịch đã có sự khác biệt.
Với độ rộng còn tốt, thị trường chưa có gì đáng ngại, VN-Index giảm chủ yếu vẫn do các trụ giảm. Điều chờ đợi lúc này là liệu mức trượt giảm của chỉ số có tác động lan tỏa sang cổ phiếu đến mức nào? Thống kê trên HoSE, khoảng 57% số cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay đã tụt giá tối thiểu 1%. Hiện chỉ khoảng 30 mã còn đang tăng giá và chốt được ở mức cao nhất.
Thanh khoản cao đang tạo sức ép ở các cổ phiếu ở mức độ khác nhau. Thị trường đang có 22 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên thì có 10 cổ phiếu tăng giá, nhưng chỉ 5 mã tăng tốt là VPB tăng 2,55%, HPG tăng 1,21%, VNM tăng 1,49%, LPB tăng 1,97%, MBB tăng 1,26%. 10 mã khác giảm giá cũng có nhiều cổ phiếu rơi sâu như NVL giảm 1,37%, DIG giảm 1,52%, GEX tăng 1,21%, CII giảm 1,57%, PVD giảm 2,8%, DXG giảm 1,88%, PDR giảm 2,31%.
Mặc dù độ rộng còn 190 cổ phiếu tăng giá trong VN-Index, nhưng chỉ 55 mã tăng hơn 1%. Thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 26,1% tổng khớp cả sàn HoSE. Nhóm cổ phiếu tầm trung khá mạnh có thể kể tới TDC tăng 3,93% với 29,4 tỷ đồng thanh khoản; VSC tăng 3,29% với 75,6 tỷ; DRH tăng 2,57% với 38,4 tỷ; AGG tăng 2,47% với 20,1 tỷ; PAN tăng 2,05% với 45,2 tỷ… Dù vậy ngay cả nhóm mạnh nhất này cũng đã bị ép giá xuống 1%-2% so với đỉnh.
Hiện tượng trượt giá sáng nay mới rõ ở nhóm blue-chips, còn tổng thể thị trường vẫn đang giằng co cân bằng. Các phiên trước cũng có lực chốt lời, nhưng chủ yếu giữ giá xanh. Sáng nay độ rộng thay đổi rất rõ, phản ánh nhu cầu hạ giá xuống. Thị trường có khả năng lật ngược thế cờ trong phiên chiều hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng huy động thêm dòng tiền.
Khối ngoại cũng góp sức gia tăng bên bán khi xả ròng 142,7 tỷ đồng. Tuy vậy cũng không có mã nào bị bán quá áp đảo, quy mô bán của vốn ngoại trên HoSE mới chiếm chưa tới 6% tổng giá trị sàn. Các mã bị bán ròng đáng kể là BIC -46,8 tỷ, TPB -38 tỷ, VPB -37,9 tỷ, VNM -37,3 tỷ, NLG -26,9 tỷ. Phía mua ròng chỉ có HPG +43,7 tỷ và VHM +25,6 tỷ đồng là đáng kể.