October 24, 2011 | 07:57 GMT+7

Tiêu điểm công nghệ: “Sốt” iPhone 3GS vì miễn phí

Phúc Minh

Ra đời từ năm 2009, mẫu di động iPhone 3GS vẫn có sức hấp dẫn người dùng, đặc biệt là sau khi được các nhà mạng "cho không"

iPhone 3GS vẫn có sức quyến rũ người dùng smartphone dù đã ra đời được hơn 2 năm.
iPhone 3GS vẫn có sức quyến rũ người dùng smartphone dù đã ra đời được hơn 2 năm.
iPhone 3GS lại trở nên hấp dẫn nhờ được cho không; Samsung có thể đã qua mặt Apple về doanh số smartphone trong quý 3/2011; Lượng xuất xưởng máy tính bảng tăng gần 300%... là những tin công nghệ đáng chú ý trong tuần qua.

Giám đốc điều hành nhà mạng AT&T của Mỹ, Ralph de la Vega, cho biết, iPhone 3GS hiện đang là sản phẩm "nóng sốt" của hãng, nhờ chính sách cho không biếu không, tất nhiên là kèm điều kiện sử dụng dịch vụ của nhà mạng.

Ra mắt từ tháng 6/2009, mẫu di động này từng làm mưa làm gió suốt một năm trước khi iPhone 4 ra đời với nhiều tính năng mới. Tuy nhiên, iPhone 3GS vẫn là mẫu smartphone hấp dẫn. "Hơn nữa sản phẩm lại được AT&T cung cấp miễn phí kèm hợp đồng dịch vụ 2 năm", de la Vega nói.

Do vậy, dẫu đã cũ nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm này, theo nhà mạng AT&T, vẫn đang rất mạnh mẽ. "Lượng thuê bao mới đăng ký 3GS tăng trung bình vượt trội hơn hẳn so với các thiết bị khác", CEO AT&T nói. Ngoài iPhone 3GS miễn phí, nhà mạng này còn hạ giá iPhone 4 xuống 99 USD.

Trong một diễn biến khác, theo khảo sát gần đây của trang điện tử tiêu dùng Retrevo, hầu hết người dùng BlackBerry và những người sở hữu các mẫu iPhone thế hệ trước như 3G và 3GS là khách hàng chính của iPhone 4S.

Kết quả khảo sát cho thấy, 44% người dùng iPhone 3G, 3GS đã mua iPhone 4; 42% người dùng iPhone 4 mua iPhone 4S; 24% người dùng BlackBerry mua iPhone 4S và chỉ có 12% người dùng các smartphone Android mua iPhone 4S.

Cũng liên quan tới sản phẩm của hãng công nghệ Apple, theo công bố mới của hãng nghiên cứu Chitika, chỉ trong vòng 5 ngày sau khi ra mắt, hệ điều hành mới iOS 5 của Apple đã nhanh chóng chiếm được tới 20% tổng lưu lượng iOS hiện nay.

Chuyên gia Ryan Cavanagh của Chitika cho biết, bên cạnh sự bùng nổ của iOS 5 thì hiện phiên bản iOS 4 vẫn đang chiếm vị trí phổ biến nhất trong dòng iOS. Tuy nhiên, Cavanagh dự báo trong tương lai gần, iOS 5 sẽ sớm soán ngôi tiền bối iOS 4.

Trong quý 3/2011, hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc đã xuất xưởng hơn 20 triệu chiếc đi động thông minh. Theo đó, hãng này đã chính thức vượt qua Apple kể từ khi "Quả táo khuyết" ra mắt dòng điện thoại đình đám iPhone tới nay.

Trước đó, hãng công nghệ Apple đã công bố doanh số bán iPhone trong thời gian từ tháng 7 tới tháng 9/2011 là 17,1 triệu chiếcc, thấp hơn khoảng 3 triệu sản phẩm so với dự đoán của giới phân tích, và dưới mức xuất xưởng của Samsung khá xa.

Trong khi đó, hãng sản xuất điện thoại Phần Lan, Nokia, với 16,8 triệu smartphone, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, xét trên lượng xuất xưởng, hiện Samsung đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong quý vừa qua.

Thị trường máy tính bảng tiếp tục là mảng kinh doanh hốt bạc của các hãng công nghệ quốc tế, sau khi công ty Strategy Analytics công bố kết quả khảo sát cho thấy, tổng lượng xuất xưởng máy tính bảng toàn cầu trong quý 3 đã lên tới 17 triệu máy.

Giám đốc Strategy Analystic, ông Peter King, cho biết, sở dĩ doanh số máy tính bảng trong quý 3 vừa qua tăng tới 280% so với cùng kỳ năm ngoái, là nhờ nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường đã và đang phát triển vẫn ở mức rất cao.

Chỉ riêng số máy tính bảng chạy hai hệ điều hành iOS của Apple và Android OS của Google đã cùng nhau chiếm tới 94% thị trường toàn cầu, còn lại là phần nhỏ dành cho Microsoft, HP và RIM chia nhau.

Strategy Analytics cho biết, hãng Apple đã chiếm 67% thị trường, với 11,1 triệu chiếc iPad được xuất xưởng; còn nền tảng Android của Google chiếm 27%. Theo ông King, hệ điều hành iOS của Apple vẫn đang chiếm ngôi vị số 1 trong lĩnh vực máy tính bảng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate