June 02, 2010 | 17:18 GMT+7

Tiêu thụ xi măng trong tháng 5 giảm hơn 14%

Y Nhung

Cuối tháng 4, đầu tháng 5 giá thép tăng mạnh khiến nhiều công trình bị giãn tiến độ, nhu cầu đối với xi măng cũng giảm đáng kể

Nhiều công trình phải giãn tiến độ do giá thép tăng cao là nguyên nhân khiến tiêu thụ xi măng giảm trong tháng 5 vừa qua.
Nhiều công trình phải giãn tiến độ do giá thép tăng cao là nguyên nhân khiến tiêu thụ xi măng giảm trong tháng 5 vừa qua.
Tháng 5, lượng xi măng tiêu thụ của cả nước chỉ đạt khoảng 4,3 triệu tấn, giảm 14,17% so với con số 5,01 triệu tấn của tháng trước đó.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến lượng xi măng tiêu thụ trong tháng 5 giảm là do cuối tháng 4 và đầu tháng 5 giá thép tăng đột biến, khiến cho nhiều công trình phải giãn tiến độ thi công.

Mặc dù vậy, về giá bán xi măng nhìn chung vẫn ổn định trong phạm vi cả nước.

Trong 5 tháng đầu năm 2010, lượng tiêu thụ xi măng mới đạt khoảng 19,67 triệu tấn, bằng 39% so với kế hoạch năm. Trong khi sản xuất của toàn ngành đã đạt 20,15 triệu tấn, bằng 40,3% so với kế hoạch.

Năm 2010, Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu xi măng của cả nước là khoảng 50 - 51,5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2009. Trong đó, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 18 - 18,5 triệu tấn; các công ty liên doanh từ 15 - 15,5 triệu tấn; xi măng lò đứng các địa phương và các trạm nghiền xi măng là 17 - 17,5 triệu tấn.

Do đó, trước tình hình trên, Bộ đã có công văn yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng tháng từ ngày 22-25, phải cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ clinker và xi măng của tháng trước và tháng hiện tại (ước thực hiện) với các nội dung như sau: Khối lượng clinker, xi măng sản xuất và tiêu thụ trong tháng; giá bán clinker và xi măng tại nhà máy, các đại lý; các khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển clinker và xi măng; đề xuất, kiến nghị về giải pháp giải quyết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate