Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ của Công ty Cổ phần Tiki và Công ty Tiki Global Pte.Ltd tại Singapore.
Theo đó, công ty Tiki Global Pte.Ltd dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần của Công ty Cổ phần Tiki sau khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.
Sau khi hoàn thành giao dịch tập trung kinh tế, Công ty Tiki Global Pte.Ltd sẽ giành được quyền kiểm soát, chi phối Công ty Cổ phần Tiki theo quy định của Luật Cạnh tranh. Việc tập trung kinh tế nói trên được xác định là hình thức mua lại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh tranh.
Công ty Cổ phần Tiki chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến qua Internet và cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử để các thương nhân khác trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
Tiki Global Pte.Ltd được thành lập tháng 5/2021 theo pháp luật Singapore và chưa có bất cứ hoạt động kinh doanh nào trên thị trường Việt Nam.
Trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật cạnh tranh, Bộ Công Thương hôm 5/7 đã thông báo việc tập trung kinh tế giữa hai công ty này không thuộc trường hợp bị cấm và thuộc trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện theo quy định theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Được coi là “Amazon của Việt Nam”, Tiki nhận được sự hậu thuẫn hùng hậu của VNG - một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam cùng các cổ đông nước ngoài gồm JD.Com, Ubiquitous Traders; Success Elite Holdings; Finup Asia Investment I...
Công ty này cũng đã huy động được 1.000 tỷ đồng tỷ đồng qua kênh trái phiếu thông qua hình thức phát hành riêng lẻ từ 16/3 đến 13/6.
Tiki được cho là xếp thứ hai tại thị trường Việt Nam, chỉ sau sàn thương mại điện tử Shopee. Số liệu từ iPrice mới nhất cho thấy, tính đến quý 4/2020 lượng truy cập website trung bình của Tiki là 22,3 triệu lượt/tháng.