Thưa ông, có ý kiến cho rằng: cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu đang đổ bộ khắp thế giới và tất nhiên, dù muốn hay không, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng vậy! Thuế suất tối thiểu toàn cầu là một biện pháp, sáng kiến của Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Theo chính sách này, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở các quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần “thiếu hụt” còn lại so với mức thuế 15% cho quốc gia khác, bao gồm cả nơi họ có trụ sở chính.
Dự kiến đầu năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu. Với cách thiết kế của chính sách này thì Việt Nam hay một quốc gia nào đó không tham gia thì cũng không trách được tác động của cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, trong cơ chế này không đặt vấn đề Việt Nam có tham gia hay không tham gia vì mình sẽ bị tác động bởi các quốc gia khác có áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu hay không?
Ví dụ, nếu Hàn Quốc thực hiện chính sách này thì doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vẫn phải nộp phần thuế thiếu hụt ở Hàn quốc hoặc quốc gia khác, bất chấp việc Việt Nam có tham gia hay không tham gia. Đây không phải là hiệp định song phương mà là cơ chế, “cuộc chơi” giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang đến cơ hội cho chúng ta, nó cho phép các quốc gia, có quyền đánh thuế bổ sung và như vậy có thể giúp tăng thu ngân sách. Việt Nam không tham gia có thể bất lợi vì mất đi quyền đánh thuế bổ sung. Do đó, điều đầu tiên tôi cho rằng nước ta nên tham gia và thực hiện quyền đánh thuế của nước sở tại.
Ông có thể cho biết rõ hơn về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập “sân chơi” thuế tối thiểu toàn cầu là gì, thưa ông?
Ở góc độ tích cực, chính sách thuế này được đánh giá là giúp tăng thu thuế cho quốc gia – như tên chương trình tư vấn xây dựng chính sách thuế này. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra các thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Ở chiều ngược lại, chính sách thuế này dự kiến sẽ có tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mức độ tác động của chính sách này đến các quốc gia khác nhau là khác nhau. Tại một quốc gia, các nhà đầu tư khác nhau sẽ chịu tác động khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ ưu đãi thông qua biện pháp giảm thuế suất và khấu trừ thuế đến đâu và quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu.
Tác động chính sách thuế này đến thu hút FDI của nước ta là có. Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài gồm những chính sách phổ biến là ưu đãi thời gian miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm đối với dự án đầu tư mới; miễn thuế 2 năm, giảm 4 năm đối với dự án đầu tư mở rộng. Một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ ưu đãi thuế trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %.
Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác hoặc nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực và tính hấp dẫn chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp.
Chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ tác động trước hết đến doanh nghiệp FDI đầu tư lớn; tác động đến thu hút mới các dự án đầu tư. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tác động cả đến dự án FDI đã, đang hoạt động tại nước ta đang trong thời kỳ hưởng chính sách ưu đãi; và có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động.
Tuy chịu ảnh hưởng chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, có quy mô doanh thu hợp nhất trên 750 triệu EUR toàn cầu nhưng ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư FDI nhỏ nhưng họ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia thì họ có thể bị chịu thuế suất tối thiểu, sẽ bị liên đới.
Nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu đã được các chính phủ trên thế giới đưa ra thảo luận từ rất lâu, các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn đã nghiên cứu và có đối sách cho chiến lược đầu tư tập đoàn mình trong năm nay và các năm tiếp theo. Do đó, tôi cho rằng chính sách thuế này đã tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài ở nước ta ngay từ bây giờ thậm chí từ trước đó, chứ không phải chờ đến đầu năm 2024 khi mà chính sách thuế này được các nước áp dụng.
Như vậy, Việt Nam chỉ còn 8 tháng nữa để hành động, theo ông, những việc gì đã làm được và việc gì cấp thiết mà chúng ta chưa làm?
Trước hết, cần nhanh chóng rà soát, đánh giá, xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực – tiêu cực, cơ hội, thách thức của chính sách này đối với hoạt động đầu tư tại nước ta. Tổ công tác của Chính phủ và Bộ Tài chính phải nhanh chóng tính toán, cân đo đong đếm xem bao nhiêu dự án đang hoạt động tại Việt Nam bị tác động bởi cơ chế thuế này? Mức độ tác động như thế nào? Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp.
Thách thức lớn nhất bây giờ là giải pháp cho các nhà đầu tư đã đầu tư, đang hoạt động trong thời kỳ hưởng ưu đãi, làm sao để hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam. Điều này theo tôi rất là khó. Biện pháp đề ra phải phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và phải có tính khả thi.
Chính phủ nên khẩn trương và tích cực tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cả hợp tác quốc tế giữa các quốc gia để có phương án phù hợp, đảm bảo các nhà đầu tư vẫn tiếp tục cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Gần đây, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phải sớm đưa ra giải pháp ứng phó với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu. Hành động hiện nay của chính phủ và các cơ quan đã thể hiện thông điệp là Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp cho chính sách thuế này.
Nhưng lúc này, tôi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang trông đợi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng hơn nữa từ Chính phủ Việt Nam. Đây không phải là tuyên bố cuối cùng nhưng ít nhất giúp các nhà đầu tư nước ngoài biết được nguyên tắc hành động của Việt Nam trong việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu để họ đưa ra quyết định đầu tư trong thời gian tới.
Khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi, những chính sách thu hút đầu tư dựa trên ưu đãi thuế mà chúng ta vẫn sử dụng lâu nay sẽ giảm hiệu lực. Vậy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư sẽ là gì, thưa ông?
Không phải mọi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của chúng ta, không phải mọi dự án đầu tư đều bị giảm hiệu lực do tác động của chính sách này. Có những dự án đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ không bị tác động, dự án đầu tư trong nước cũng không bị ảnh hưởng.
Về giải pháp ứng phó thì tôi cho rằng bây giờ Việt Nam không có cách nào khác, cả về trước mắt và dài hạn muốn thu hút đầu tư phải có môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Do đó, tôi cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh cũng là phương cách tốt nhất để ứng phó với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Như vậy, các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh đã có thì nay phải thực thi quyết liệt hơn cả về mức độ và phạm vi. Đồng thời, phải nhanh hơn nữa, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế này.
Bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh sẽ giúp chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật được giảm bớt, minh bạch hơn, nhanh hơn và ít rủi ro. Như vậy là tăng tính hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế như đường xá, cầu cảng, logistics…Cải thiện môi trường xã hội cho người nước ngoài như nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục…
Ngoài ra, ông có đề xuất chính sách ưu đãi thay đổi như thế nào với các nhà đầu tư nước ngoài khi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi?
Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa về việc thận trọng, bình tĩnh khi đưa ra các cơ chế ưu đãi, bởi như đã nói ở trên, không phải mọi chính sách ưu đãi hiện nay đều hết tác dụng.
Trước mắt, cần phải tính đến rà soát toàn bộ hệ thống thuế, đồng thời tính đến chính sách thuế dài hạn hơn trong mục tiêu chung chống xói mòn cơ sở thuế và chống chuyển lợi nhuận.
Trường hợp cần thiết tìm kiếm chính sách ưu đãi thay thế thì có thể cân nhắc ưu đãi dựa trên chi phí mà OECD đang khuyến nghị.
Tôi cho rằng phương án ưu đãi dựa trên chi phí có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép – vừa hạn chế được tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu – vừa giúp thu hút đầu tư có chọn lọc.
Ưu đãi dựa trên chi phí cũng đã có tiền lệ ở Việt Nam khi mà tháng 6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà.
Theo đó, ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng là: được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí R&D thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán.
Nghĩa là nếu nhà đầu tư đầu tư vào R&D 1 đồng thì được khấu trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp 1,5 đồng.
Ví dụ, thay vì giảm thuế suất hoặc miễn thuế có thể cho doanh nghiệp khấu trừ nhiều hơn 100% (ví dụ 150%) chi phí mà họ đầu tư vào hoạt động quan trọng như nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động, thuê nhân sự có chất lượng cao…Chính sách này vẫn tạo được tác động ưu đãi vừa đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đầu tư vào hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.
Nếu Chính phủ muốn nhà đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu phát triển thì khấu trừ chi phí nghiên cứu phát triển thôi. Còn nếu muốn nhà đầu tư đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hay đào tạo lao động chất lượng cao, bảo vệ môi trường… thì khấu trừ chi phí trong những mảng này.
Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh lại rằng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là giải pháp tốt nhất để ứng phó với tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
VnEconomy 25/04/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam