Vào giữa năm 2023, trang Reuters đã đưa tin Apple đang thực hiện các kế hoạch mở rộng và hồi sinh chuỗi bán lẻ của mình nhằm tiến sâu hơn vào Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á, song song với đó họ sẽ “đại tu” các địa điểm đã có ở Mỹ và châu Âu.
Và gần đây, ngày 15/4, CEO của Apple, Tim Cook đã ghé thăm Việt Nam và sẽ tham gia một loạt các hoạt động, hội nghị về công nghệ. Chuyến đi này của Tim Cook được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới cho Apple tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn cả trong sản xuất và phát triển công nghệ. Cộng đồng công nghệ hiện đang dõi theo từng động thái của Tim Cook và kỳ vọng về việc Apple sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.
YÊU CẦU KHẮT KHE, VIỆT NAM CÓ ĐÁP ỨNG?
Theo kế hoạch mà Reuters đã đưa nêu trên, trọng tâm chính của việc mở rộng là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với 21 địa điểm mới hoặc được tân trang lại được lên kế hoạch cho đến năm 2027. Thị trường này đã tạo ra khoảng 130 tỷ USD doanh thu của Apple vào năm 2022– tức là gần 1/3 tổng doanh thu của hãng. Các quốc gia như Ấn Độ đã nổi lên như một thị trường tiềm năng tăng trưởng quan trọng. Apple đã mở hai cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 4/2023.
Apple Store là nơi bán mọi sản phẩm của Apple và được điều hành, quản lý trực tiếp bởi công ty. Ngoài mua sắm, đây còn được coi là địa điểm du lịch hấp dẫn với kiến trúc đẹp, mang tính biểu tượng cao đối với công ty. Hiện có hơn 520 Apple Store trên toàn cầu, nhiều nhất là tại Mỹ (272), tiếp đến là Trung Quốc (43), Anh (39), Canada (28)... Tại Đông Nam Á, Thái Lan có hai Apple Store trong khi Singapore là ba.
Hiện Apple đang vận hành 4 loại cửa hàng bán lẻ: Cửa hàng tiêu chuẩn trong trung tâm thương mại, cửa hàng “Apple Store+” có thể ở khu mua sắm ngoài trời hoặc trên đường phố, cửa hàng “flagship” nằm ở các khu vực trọng điểm có thiết kế độc đáo và “flagship+” những cửa hàng lớn nhất và tốn kém nhất để vận hành.
Theo dữ liệu nội bộ từ Apple, các cửa hàng thông thường thường tạo ra hơn 40 triệu USD hàng năm, trong khi các địa điểm Apple Store+ mang lại hơn 45 triệu USD. Các trang web bán hàng online flagship tạo ra hơn 75 triệu USD, trong khi các trang web flagship+ kiếm được hơn 100 triệu USD hàng năm.
Theo giới chuyên môn, Apple Store có được thành công như hiện nay chủ yếu nhờ sở hữu 5 yếu tố tạo nên sự khác biệt: tính thẩm mỹ của cửa hàng; thái độ phục vụ niềm nở của nhân viên; tư vấn và đưa ra lời khuyên nhiệt tình; hỗ trợ khách hàng tốt và tạo ra được cảm hứng cho khách hàng.
Đối với tiêu chí để mở một cửa hàng, Apple cũng đưa ra những tiêu chí khắt khe: Đầu tiên là nơi toạ lạc: Đó phải là những nơi có mật độ giao thông qua lại đông, bao gồm số lượng lớn khách hàng mục tiêu của mình về tuổi tác, về mức độ chịu chi cho những sản phẩm của Apple.
Tiêu chí thứ 2 là các cửa hàng xung quanh, nơi Apple chọn đặt Apple Store, đều phải là những thương hiệu cao cấp, nhưng không quá xa xỉ để nhiều người tiêu dùng vẫn có thể sở hữu được. Đặc biệt, không đặt cạnh các thương hiệu nhạy cảm, rẻ tiền là một trong những yêu cầu bắt buộc của Apple tại Việt Nam: “Apple yêu cầu Apple Store phải đặt cạnh những thương hiệu tương xứng như Nike, Adidas. Tuyệt đối, không nằm cạnh các cửa hàng đồ ăn nhanh, đồ lót”.
Về không gian bên trong: Apple đòi hỏi không gian bên trong Apple Store chính hãng phải có sự đối xứng về vị trí địa lý (một hình chữ nhật với góc 90 độ hoàn hảo từ điểm nhìn bắt đầu tiêu chuẩn). Bên trong cửa hàng hạn chế ít nhất có thể các chi tiết xây dựng làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của khách hàng như cột trụ. Bên cạnh đó, trong cửa hàng trưng bày sản phẩm đúng theo yêu cầu của Apple phải bao gồm cả ghế ngồi.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng tiếp theo có thể mở Apple Store, sau Thái Lan và Singapore. Theo các chuyên gia, điểm quan trọng để Apple xem xét là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh số rất tốt, cao hàng đầu khu vực hiện tại, tỷ lệ người dùng sản phẩm Apple cũng ở mức cao.
NGƯỜI DÙNG HƯỞNG LỢI GÌ KHI MỞ APPLE STORE TẠI VIỆT NAM?
Trước đó, Apple Store online đã được chính thức mở cửa từ sáng ngày 18/5 tại Việt Nam. Điều đó đã giúp khách hàng Việt Nam có thể mua sắm online mọi sản phẩm của Apple từ iPhone, iPad, MacBook, Mac, Apple Watches,… đến phụ kiện của nhà sản xuất chính hãng. Người dùng có thể đọc thông số sản phẩm, nhận tư vấn từ nhân viên bằng tiếng Việt - trải nghiệm chưa từng có trước đây.
Việc mở cửa hàng trực tuyến chính thức cho thấy Apple quan tâm nhiều hơn tới người tiêu dùng Việt Nam.
Vậy, nếu một cửa hàng của Apple được mở tại Việt Nam, thị trường điện thoại thông minh sẽ diễn biến ra sao? Về giá bán, điều chắc chắn rằng giá sẽ không rẻ như tại các cửa hàng hay chuỗi bán lẻ hiện nay, tuy nhiên người tiêu dùng sẽ có thêm một kênh uy tín để nhận tư vấn và mua sản phẩm. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng sẽ được trải nghiệm đầy đủ các dòng sản phẩm của Apple, đi kèm với các dịch vụ đặc biệt như khắc tai nghe, các phiên bản tùy biến,...vốn chỉ có tại các thị trường lớn.
Các dịch vụ cá nhân hóa sẽ được triển khai như các quốc gia khác trên thế giới.
Vấn đề được quan tâm nhất là chế độ bảo hành. Khi có Apple Store tại Việt Nam, người tiêu dùng sẽ được bảo hành trực tiếp từ Apple không cần qua các đại lý ủy quyền, xử lý được nhiều vấn đề tồn đọng về bảo hành trước đó.
Về giá bán, các sản phẩm Apple tại Việt Nam vốn có diễn biến theo tình hình thị trường, tồn kho,... mà không có mốc niêm yết cố định như những thương hiệu khác. Do đó, cửa hàng chính chủ Apple là nơi người dùng có thể tham khảo giá chuẩn trước quyết định mua hàng.
Tại Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai nước thuộc nhóm 1 trong xếp hạng của Apple, có Apple Store và mở bán iPhone sớm, cùng ngày trên toàn cầu. Malaysia ở nhóm 2, mở bán chậm hơn 7-15 ngày, có cửa hàng trực tuyến.
Hiện CEO của hãng vẫn đang tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm tới Việt Nam. "Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp", Tổng giám đốc Apple Tim Cook chia sẻ ngay sau khi đến Việt Nam, chia sẻ này khiến người tiêu dùng tiếp tục kỳ vọng vào các động thái tiếp theo của Apple tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là kế hoạch mở Apple Store.