Theo số liệu rà soát, báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam – TKV và Tổng Công ty Đông Bắc hiện tổng diện tích bãi thải của các đơn vị này lên tới khoảng hơn 4.000 ha, trung bình khối lượng đổ thải hàng năm khoảng 150 triệu m3/năm. Tổng trữ lượng của các bãi thải chứa khoảng 2,125 tỷ m3 đất đá thải. Tổng trữ lượng đã có tại các bãi thải khoảng 1,375 tỷ m3 đất đá thải.
Trong đó, các vị trí bãi thải do Tổng Công ty Đông Bắc quản lý có diện tích khoảng 1.627 ha với tổng trữ lượng trên 459 triệu m3, trong đó trữ lượng tại các bãi thải đã đổ thải có thể cung cấp khoảng trên 146 triệu m3.
Các vị trí bãi thải do Tập đoàn cộng nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam quản lý với diện tích khoảng 2.425 ha có tổng trữ lượng khoảng 1,666 tỷ m3, trong đó trữ lượng tại bãi thải có thể cung cấp khoảng 1.228 triệu m3.
Đất đá thải được vận chuyển bằng đường chuyên dụng, một số vị trí thuận lợi trong việc vận chuyển bằng đường thủy thông qua các cảng xuất than của ngành Than. Các bãi thải có cos cao độ tương đối cao (200÷300m). Do vậy, trong mùa mưa bão, một số vị trí có nguy cơ sạt lở rất cao và nguy cơ gây mất an toàn cho vùng hạ lưu.
Để giảm thiểu nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường, mới đây, TKV đã khởi động việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh.
TKV cho biết, tính riêng tỉnh Quảng Ninh giai đoạn từ năm 2021-2025, nhu cầu vật liệu san lấp để phát triển quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội của các dự án đã đăng ký là khoảng 640 triệu m3. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án đăng ký khoảng 1,02 tỷ m3.
Từ quá trình khai thác than bằng phương pháp lộ thiên trong hàng chục năm qua đã bóc xúc, đổ thải trên 1 tỷ m3 với diện tích chiếm đất rất lớn. Hiện nay, lượng đất đá bóc xúc, đổ thải hằng năm trên 150 triệu m3, lượng đất đá này một phần để lấp lại các moong khai thác, cải tạo các tầng thải, cải tạo phục hồi môi trường, còn lại có thể khai thác, chế biến, sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Việc sử dụng đất đá thải mỏ sẽ góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải; đồng thời giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường; phù hợp với mô hình chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh của tỉnh Quảng Ninh, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng thu ngân sách.
Sau khi kết thúc thu hồi đất đá của các bãi thải sẽ tạo thêm quỹ đất sạch để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp…, có thể triển khai các dự án nhà ở “Làng công nhân” cho người lao động theo mô hình truyền thống ngành than của tỉnh Quảng Ninh.
Đại diện Tập đoàn TKV cho biết, việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ làm nguyên liệu san lập phục vụ các công trình dân dụng và công nghiệp là sự “gặp gỡ” thống nhất giữa mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với môi trường của TKV với quan điểm, định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh phát triển “kinh tế tuần hoàn” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa, xây dựng tỉnh Quảng Ninh là trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía bắc.
Đến thời điểm hiện nay, TKV đã hoàn thành các thủ tục để thực hiện khai thác, thu hồi đất đá thải tại bãi thải mỏ Suối Lại với tổng khối lượng là 3,5 triệu m3 theo “Phương án thu hồi và sử dụng đất, đá thải tại bãi thải mỏ Suối Lại – Công ty than Hòn Gai –TKV làm vật liệu sản lấp” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý về nguyên tắc và cho phép TKV thực hiện và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng ý về chủ trương, UBND tỉnh Quảng Ninh thông qua.