Như VnEconomy đã đưa tin, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý đầu năm 2021, tín dụng bất động sản đã chạm mốc 1,85 triệu tỷ đồng, tức tăng 3%. Vậy con số này đã phản ánh hết và có phải nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản tăng nóng như hiện nay?
Trong suốt 3 năm vừa qua, tín dụng đầu tư bất động sản luôn được Ngân hàng Nhà nước quan tâm và kiểm soát một cách rất chặt chẽ. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này có chiều hướng giảm xuống. Riêng năm 2020 chỉ tăng khoảng 11,89%, trong khi hai năm trước đó là 2018 và 2019 tăng từ 26-28%.
Theo đánh giá của đại diện nhà điều hành, cuối năm 2020 và quý đầu năm 2021, tín dụng bất động sản có chiều hướng nhích lên một chút. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng cũng chỉ tương đương mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước là 2,93%.
Đồng thời, so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch bệnh khiến tốc độ tín dụng bất động sản tăng 1,84% thì tỷ lệ trên có thể cao hơn. Nhưng so với thời điểm quý 1 của năm 2019 là 5,19% và những năm trước nữa thì tỷ lệ này không cao hơn, thậm chí thấp hơn rất nhiều.
Nếu nhìn vào những con số thống kê bên trên thì có thể nhìn nhận rằng, tín dụng bất động sản không phải là nguyên nhân chính gây ra cơn “sốt đất” như hiện nay.
Tuy nhiên, khi VnEconomy trao đổi với một chuyên gia kinh tế, ông cho rằng, con số trên vẫn chưa thể đánh giá hết dòng vốn tín dụng đang chảy vào bất động sản. Bởi lẽ, tín dụng phục vụ đời sống cũng đã đạt gần 1,87 triệu tỷ đồng, tức tăng 1,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, dù khó nhưng cũng cần phải đánh giá tín dụng tiêu dùng đổ vào bất động sản chiếm bao nhiêu phần trăm.
“Khi khảo sát một vài dự án đang bán đất nền tại vùng ven Hà Nội, tôi nhận thấy khách hàng mua chủ yếu là dân đầu cơ, họ không chỉ mua 1 hay 2 lô mà mua cả dãy. Ngoài tiền túi đang có, khoản vốn từ ngân hàng là không thể thiếu. Điều đáng nói là họ được vay vốn dưới dạng tiêu dùng nhưng với số tiền lên tới cả chục tỷ đồng”, vị chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, thị trường bất động sản đang đón nhận nhiều “tay chơi” mới. Họ vốn dĩ đang tham gia ngành nghề khác nhưng do dịch Covid-19 nên sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Trong khi biên lợi nhuận bất động sản lại tăng vọt nên đã quyết định chuyển hướng. Thực tế, chỉ cần lên mạng tìm kiếm cụm từ “lấn sân sang bất động sản” là có thể nhận diện những “tay chơi” mới này.
“Nguồn vốn tích lũy nhiều năm nay được họ chuyển sang bất động sản còn vốn để hoạt động kinh doanh lại đi vay ngân hàng. Như vậy, dòng tín dụng này sẽ được thống kê vào hoạt động sản xuất kinh doanh chứ đâu được thống kê vào bất động sản. Con số thống kê chỉ là phần nổi của tảng băng”, vị chuyên gia chia sẻ.
Đó là ý kiến chuyên gia, còn về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản tăng nóng trong thời gian qua như đồn thổi về thông tin quy hoạch, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu rất lớn, bảng giá đất tăng…
Ngoài ra, ông Tú còn đặc biệt lưu ý, cho vay bất động sản có hai đối tượng, một là cho vay đối với những phân khúc thị trường nhà giá rẻ, nhà xã hội hoặc là bất động sản có tính chất là tiêu dùng thì vẫn được đảm bảo để phục vụ tốt cho người dân.
Hai là, những dự án bất động sản và phân khúc cao cấp như biệt thự, khu nhà nghỉ dưỡng… khả năng thanh khoản trong tương lai kém thì sẽ được giá lại, kiểm soát một cách chặt chẽ.
“Trạng thái tín dụng bất động sản cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung chỉ xuất hiện tại một vài tổ chức tín dụng và chủ yếu tập trung ở đối tượng thứ nhất", Phó Thống đốc nói.
Suốt những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định mục tiêu điều hành và đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có lĩnh vực bất động sản. Ví dụ như hệ thống đang thực hiện quy định tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 40% và quy định những khoản cho vay này phải áp dụng hệ số rủi ro khoảng 200%.
Đồng thời, Phó Thống đốc cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm tra tăng cường giám sát những quy định về điều kiện cho vay bất động sản, đảm bảo thực hiện đúng quy định, song song với đó là quản lý được dòng tiền khi cho vay.
“Mục tiêu quan trọng nhất của năm 2021 khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% là tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, cần thiết. Tập trung vào những công trình, những dự án trọng điểm của Nhà nước, cũng như ưu tiên một số ngành kinh tế, ví dụ như xuất khẩu để hỗ trợ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Quốc hội đã đặt ra. Vì vậy, tín dụng bất động sản sẽ được kiểm soát chặt và không thể tăng nóng”, ông Tú nhấn mạnh.