Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do gặp nhiều khó khăn về tài chính trong cuộc sống, nhiều công nhân lao động đang bị nạn cho vay nặng lãi hoành hành. Nhiều người lao động cần tiền để chi tiêu trong trước mắt đã tìm đến tín dụng đen.
VAY NỢ, BỊ ĐE DỌA, KHỦNG BỐ VÀ RƠI VÀO TÌNH TRẠNG BẤT AN
Một khảo sát của Ban Chính sách pháp luật cùng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với gần 3.000 công nhân được công bố hồi đầu tháng 8 cũng cho thấy do khó khăn về đời sống, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ, trong đó hơn 3% thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
Chia sẻ về tình trạng tín dụng đen hiện nay tại cuộc đối thoại về các chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen mới đây, Thượng tá Đào Trung Hiếu, Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông Bộ Công an cho biết, hiện nay tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào cả công nhân lao động, học sinh, sinh viên.
Người lao động không phải ai cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng vì lý do không có tài sản thế chấp. Khi xảy ra những vấn đề đột xuất, họ rất cần những khoản tiền để xử lý, và đã tìm đến nguồn vay không chính thống. Do đó việc nhận diện các hiểm họa từ tín dụng đen là điều cần thiết.
Theo TS. Đào Trung Hiếu, trên thực tế chưa có văn bản pháp lý nào quy định thế nào là “tín dụng đen”, mà nó là hình thức cho vay không chính thức với lãi suất rất cao ở mức “cắt cổ”. Theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 20% khoản vay đó, nếu vượt quá 5% trở lên mức 20% này là có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự.
“Đặc điểm nhận diện của tín dụng đen có thể nói đó chính là loại hình cho vay không chính thức và lấy lãi rất cao, không cần tài sản thế chấp. Đây là hình thức cho vay tín chấp, thủ tục giải ngân vô cùng nhanh, khoảng 10-20 phút sau khi thỏa thuận, lãi suất ngắn hạn thường tính theo ngày”, ông Hiếu thông tin.
Tuy nhiên, do người vay không có tài sản thế chấp nên các đối tượng sẽ yêu cầu chụp Căn cước công dân, cho phép truy cập danh bạ, mạng xã hội…
“Nhiều người do túng quẫn đã thực hiện mọi yêu cầu của bên cho vay. Khi đến hạn nếu không trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cộng gốc, tính lãi mới,… khiến người vay rơi vào vòng xoáy vô cùng mệt mỏi. Nhiều người đã phải đi vay ở app này để trả nợ cho app khác, vướng sâu vào nợ nần không lối thoát”, ông Hiếu nêu thực tế.
Chuyên gia cũng khẳng định, tín dụng đen là những hợp đồng cho vay bất hợp pháp, nên các đối tượng sẽ lách luật, không ghi rõ vào hợp đồng cho vay, nhưng các khoản thu phụ phí lại rất cao, đó là hình thức che đậy của lãi suất cao. Vì vậy, các đối tượng sẽ cắt phí ngay khi giải ngân. Ví dụ vay 100 triệu sẽ chỉ nhận được 70 triệu, còn 30 triệu sẽ bị bên cho vay cắt lãi trước.
HẠN CHẾ TÌM ĐẾN NGUỒN VAY KHÔNG CHÍNH THỨC TRÊN MẠNG
Với lãi suất không được pháp luật thừa nhận, khi nợ đến hạn, các đối tượng sẽ sử dụng các biện pháp không được pháp luật cho phép để đòi nợ. Ví dụ như gọi điện, khủng bố mạng, làm phiền các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại của người vay nợ; quấy nhiễu và quấy rối cả những người không hề liên quan đến khoản nợ này.
Ngoài ra, đối tượng có thể truy cập tài khoản mảng xã hội, gán ghép hình ảnh gợi cảm để đưa lên mạng, tung lên các tài khoản của nhóm đòi nợ, tấn công về mặt danh dự nhân phẩm.
Hình thức đòi nợ phổ biến nữa theo ông Hiếu là sử dụng các nhóm đòi nợ thuê đi siết nợ. Đáng chú ý, từ lúc công nghệ phát triển, hình thức cho vay qua app rất phổ biến, người lao động chủ yếu vay trên ứng dụng điện thoại. Vì thế, có thể nói tín dụng đen đã len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống. Các đối tượng tiếp thị ở khắp nơi mà người lao động thì có rất nhiều nhu cầu về tiền buộc phải đi vay tín dụng đen.
Tuy nhiên, TS. Đào Trung Hiếu cũng cho rằng, khi người lao động đi vay thì phải có kế hoạch trả nợ đúng hạn, nếu không trả được nợ, tuyệt đối không vay từ app này để trả nợ cho app khác. Nếu bị de dọa, phải ghi lại các bằng chứng liên quan và trình báo cơ quan chức năng.
Trường hợp bị quấy rối làm nhục trên mạng, phải lưu lại bằng chứng, nhắn tin yêu cầu đối tượng gỡ bỏ trên mạng, gửi các bằng chứng đến cơ quan công an.
Chuyên gia cũng khuyến cáo đến công nhân lao động, nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước. Hiện nay tổ chức Công đoàn có những khoản vay ưu đãi dành cho người lao động để phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề… với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn. Vì vậy, người lao động nên hạn chế tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng.
Bên cạnh đó, người lao động cũng nên có kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, không dễ tin bất cứ điều gì đọc được, thấy được, nghe được trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại; rèn kỹ năng kiểm chứng thông tin bằng các nguồn khác nhau. Khi xảy ra lừa đảo cần có trình báo ra cơ quan chức năng, đồng thời đưa ra cộng đồng để có những cảnh báo và lan tỏa để phòng ngừa chủ động tội phạm.