November 29, 2022 | 20:25 GMT+7

Tín dụng tại Hà Nội tăng 11,2% sau 10 tháng đầu năm

Mặc dù tín dụng tăng trưởng tốt nhưng tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn duy trì ở mức 1,9% tổng dự nợ, không thay đổi trong nhiều tháng trở lại đây...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội, trong đó có cập nhật kết quả tín dụng ngân hàng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2022, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 2.876 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 11,2% so với thời điểm kết thúc năm 2021.

Trước đó, số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn bộ nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2022 cũng đạt khoảng 11,5%. Như vậy, tín dụng trên địa bàn Hà Nội đang tương tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước.

Chi tiết về cơ cấu tín dụng tại Hà nội, xét theo kỳ hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.141 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 14,3% so với thời điểm kết thúc năm 2022; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.735 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cho vay theo chương trình tín dụng, đến hết tháng 10, cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 20,7% trong tổng dư nợ; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,1%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,2%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,4%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,4%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,5%.

Đáng chú ý, nhờ việc các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu nên tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ chiếm 1,9% trong tổng dư nợ và 2% tổng dư nợ cho vay, không thay đổi so với nhiều tháng trước.

Về hoạt động huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 4.585 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 7,9% so với thời điểm kết thúc năm 2021.

Trong đó, tiền gửi đạt 4.183 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cuối năm 2021; phát hành giấy tờ có giá đạt 402 nghìn tỷ đồng, không thay đổi so với tháng trước và tăng 5,3% so với cuối năm 2021.

Về lãi suất huy động tiền gửi bằng VND của tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước, phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,6-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,6- 8,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,8-8,3%/năm.

Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 8,0- 9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 4,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate