July 11, 2024 | 18:24 GMT+7

Tín dụng thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng 4% trong 6 tháng đầu năm

Vân Nguyễn -

Tính đến hết tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 3.700 nghìn tỷ đồng, tăng 2,03% so với tháng trước và tăng 4% so với cuối năm ngoái…

Biểu đồ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ.
Biểu đồ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/6/2024, tín dụng trên địa bàn Thành phố tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Riêng tháng 6/2024, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng đầu năm, tăng 2,03%.

Trong khi đó, tháng 5/2024 tín dụng tăng 0,61%; tháng 4/2024 tăng 0,35%; tháng 3/2024 tăng 1,9%; tháng 02/2024 tăng 0,01% và tháng 01/2024 tín dụng giảm 0,93%.

6 tháng đầu năm, tín dụng tăng 4% so với cuối năm và tăng 11,06% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng phù hợp nếu so sánh với cùng kỳ này năm trước, tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,75%.

Về cơ cấu tín dụng theo loại tiền tệ, tín dụng VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, chiếm khoảng 96%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định kết quả hoạt động tín dụng trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm đã góp phần tích cực vào môi trường kinh tế xã hội và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố, gắn liền với ba yếu tố.

Thứ nhất, hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố, 6 tháng đầu năm, GRDP tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm trở lại đây, với mức tăng 6,46%.

Trong đó, lãi suất thấp, cùng với các chương trình tín dụng tập trung và các gói tín dụng ưu đãi; chính sách cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.

Riêng cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực, cụ thể: doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.582 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 82% tổng dư nợ cho vay.

Thứ hai, các chính sách ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Nhân dân Thành phố đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn,

Theo đó, thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, các hoạt động ký kết, giải ngân cho vay, đối thoại và tháo gỡ khó khăn… đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp người dân tiếp cận thuận lợi vốn và cơ chế chính sách.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, với tinh thần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, gắn việc ký kết cho vay vốn, giải ngân gói tín dụng ưu đãi với các tiêu chí về giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, tăng hạn mức tín dụng, về cho vay xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,… chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo đối tượng của các gói tín dụng ưu đãi như gói 30.000 tỷ đồng, gói 120.000 tỷ đồng.

Đồng thời, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ và chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất không quá 4%/năm, thực tế được thụ hưởng chính sách theo đúng quy định.

“Đến nay gói tín dụng ưu đãi do 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia từ đầu năm, với quy mô gói 509.864 tỷ đồng, đã giải ngân đạt trên 273.786 tỷ đồng, bằng 53,7% cho 79.306 khách hàng, doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp được tổ chức thực hiện trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn”, ông Lệnh thông tin thêm.

Thứ ba, tín dụng tăng trưởng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố. Trong quá trình này, kinh tế Thành phố tăng trưởng tác động tích cực ngược trở lại và là yếu tố môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Cũng theo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, với ý nghĩa này, kết quả tăng trưởng kinh tế Thành phố trong 6 tháng đầu năm cùng với những chuyển biến tích cực của thị trường hàng hóa, du lịch dịch vụ, tiêu dùng và thị trường bất động sản.

Trong đó, các yếu tố tích cực được phát huy, dòng tiền luân chuyển hiệu quả trở lại, sẽ dần khắc phục những điểm nghẽn và khơi thông dòng vốn, yếu tố rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng góp phần đạt được chỉ tiêu định hướng tăng tín dụng khoảng 15% trong năm 2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate