Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,09%. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ mua sắm cá nhân.
Tuy nhiên, dịch vụ tín dụng tiêu dùng đang được dự báo sẽ ngày càng phát triển mạnh, do nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao.
Theo ước tính của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho vay tiêu dùng có thể chiếm tới 10% GDP (trên 10 tỷ USD/năm) trong khoảng 5 năm tới. Đây chính là “chiếc bánh” hấp dẫn mà nhiều ngân hàng và công ty tài chính đang sẵn sàng cho một cuộc đua tranh thị phần.
Theo LS. Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh), ngoài hệ thống các ngân hàng thương mại, hiện tại trên thị trường có khoảng 20 công ty tài chính đang hoạt động, “phủ sóng” tới hàng nghìn cửa hàng bán ôtô, xe máy, các siêu thị điện máy… trên cả nước để cho vay tiêu dùng.
“Nhiều khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng cho bản thân và gia đình, nhưng do thủ tục hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng khá phức tạp, lại mất công sức, nên người dân có xu hướng tìm đến các công ty tài chính với thủ tục nhanh gọn”, ông Truyền nói.
Tại các hệ thống siêu thị điện máy và cửa hàng bán đồ công nghệ như Nguyễn Kim, Media Mart, Pico, Thế Giới Di Động… đều có sự hiện diện của các công ty tài chính như FE Credit, HD SAISON, Home Credit… với phương thức tiếp cận đến từng khách hàng.
Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán tiêu dùng cá nhân cũng đang được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là những người làm văn phòng trong độ tuổi từ 25 - 40.
Hiện các công ty tài chính chủ yếu cho khách hàng vay với mức lãi suất 0,9%/tháng, theo dư nợ ban đầu, hoặc 1,75%/tháng theo dư nợ giảm dần, tương đương với khoảng 21%/năm.
LS. Nguyễn Thế Truyền cho rằng, vay tiêu dùng qua công ty tài chính có thủ tục khá đơn giản, chỉ cần có giấy tờ tùy thân, đi làm hưởng lương, hoặc tự kinh doanh… đều có thể được vay.
“Một người có việc làm thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng, có thể vay tối đa 500 triệu đồng trong vòng 60 tháng. Với nhiều người có nhu cầu vay tiền mà không thể tiếp cận vốn ngân hàng thì có thể dễ dàng vay từ các công ty tài chính”, ông phân tích. “Điều này đang giúp cho một lượng lớn người có nhu cầu vay tiền tiếp cận tín dụng minh bạch, đồng thời giúp đẩy lùi nạn tín dụng đen”.
Theo số liệu từ công ty StoxPlus, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,88 tỷ USD, mức tăng trưởng trên 12% và chiếm 5,4% GDP.
Một số kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm.
Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Đồng thời, hiện có khoảng gần 16 triệu người là khách hàng tiềm năng với sự thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate