July 23, 2022 | 09:44 GMT+7

Tín hiệu ảm đạm từ mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 "bồi" thêm nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ

Bình Minh -

Sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận quý 2 không đạt dự báo, cổ phiếu Snap “bốc hơi” 39,1%...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi kết quả kinh doanh gây thất vọng của Snap khiến cổ phiếu các công ty truyền thông xã hội chao đảo. Giá dầu thô cũng đi xuống do nỗi lo suy thoái kinh tế.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 137,61 điểm, tương đương giảm 0,43%, còn 31.899,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,93%, còn 3.961,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 1,87%, còn 11.834,11 điểm.

Do đã tăng điểm mạnh trước đó trong tuần, cả ba chỉ số cùng hoàn tất một tuần đi lên, với Dow Jones tăng gần 2% cả tuần; S&P 500 tăng 2,6%; và Nasdaq tăng 3,3%.

Sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận quý 2 không đạt dự báo, cổ phiếu Snap “bốc hơi” 39,1%. Trước phiên giảm này, với kỳ vọng một số công ty công nghệ sẽ đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, các nhà giao dịch “khấp khởi” rằng thị trường có thể đã tìm thấy đáy. Nhưng hoá ra không phải.

“Snap đã chặn đứng đà hồi phục của Nasdaq bằng cách đưa ra kết quả kinh doanh gây thất vọng. Điều này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến S&P 500”, chiến lược gia Sam Stovall của CFRA Research phát biểu.

“Đây là một ví dụ về sự biến động mà nhà đầu tư nên lường trước trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Thị trường sẽ trồi sụt theo những kết quả kinh doanh tốt hoặc xấu hơn dự báo”, ông Stovall nói thêm.

Sau khi kết quả kinh doanh của Snap được công bố, giới phân tích đồng loạt cắt giảm triển vọng cổ phiếu của công ty này. Giá cổ phiếu của các mạng xã hội khác cũng tụt dốc, như Meta và Pinterest sụt 7,6% và 13,5%; Alphabet trượt 5,6%

Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một mùa kết quả kinh doanh khả quan. Trong số 21% công ty trong S&P 500 đã báo cáo đến thời điểm này, 70% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo – theo dữ liệu từ FactSet.

Trong khi đó, nhà đầu tư đang lo ngại về sức khoẻ kinh tế Mỹ. Dữ liệu chỉ số giá nhà quản trị mua hàng (PMI) sơ bộ cho thấy thước đo hoạt động ngành dịch vụ và sản xuất của nước này giảm còn 47,5 điểm. Mức điểm dưới 50 phản ánh sự suy giảm sản lượng. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này trong hơn 2 năm.

Chỉ số PMI gây thất vọng được công bố chỉ một ngày sau khi Chính phủ Mỹ công bố số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần đã tăng lên bất ngờ, đặt ra mối lo về tình trạng của thị trường việc làm.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần này có đợt nâng lãi suất đầu tiên trong 11 năm, cùng mức nâng 0,5 điểm phần trăm – mạnh hơn dự báo – cũng đẩy cao mối lo kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái. Tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.

Triển vọng kinh tế xấu đi cũng là nguyên nhân kéo giá dầu đi xuống trong phiên ngày thứ Sáu và trong cả tuần này.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,65 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 94,7 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,66 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 103,2 USD/thùng.

Đây là tuần giảm thứ ba liên tiếp của giá dầu, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xăng Mỹ tuần này đã giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đúng vào giai đoạn cao điểm của mùa lái xe hàng năm. Giá xăng cao kỷ lục được xem là một nguyên nhân khiến nhu cầu xăng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sút.

Giá dầu đã biến động mạnh trong những tuần gần đây, khi thị trường chịu sự tác động trái chiều giữa một bên là lãi suất tăng có thể gây giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, với một bên là nguồn cung dầu có thể thắt chặt hơn nữa vì sự gián đoạn dòng chảy dầu thô từ Nga.

Trong một động thái nhằm ngăn sự thiếu hụt nguồn cung dầu trên toàn cầu, Liên minh châu Âu ngày 22/7 đã điều chỉnh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, theo đó cho phép hai công ty năng lượng quốc doanh của Nga là Rosneft và Gazprom có thể vận chuyển dầu đến nước thứ ba. Trước đó, các công ty giao dịch dầu lửa lớn như Vitol, Glencore và Trafigura và các hãng dầu lửa đa quốc gia như Shell và Total đều đã dừng giao dịch dầu Nga cho bên thứ ba với lý do là các biện pháp trừng phạt của EU, bao gồm các hạn chế đối với bảo hiểm.

Theo quy định mới của EU có hiệu lực từ ngày thứ Sáu trở đi, việc thanh toán cho những lô dầu Nga như vậy được xuất khẩu bằng đường biển sẽ không bị cấm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate