May 13, 2024 | 11:50 GMT+7

Tín hiệu tốt về kinh tế Trung Quốc: Giá tiêu dùng tăng 3 tháng liên tiếp

Bình Minh -

Giá tiêu dùng tăng được xem là một tín hiệu tích cực về sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cho thấy sự khởi sắc của nhu cầu trong nước...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 4 vừa qua, trong khi chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tiếp tục giảm. Giá tiêu dùng tăng được xem là một tín hiệu tích cực về sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cho thấy sự khởi sắc của nhu cầu trong nước trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục ứng phó với hàng loạt thách thức để vực dậy tăng trưởng.

Các số liệu lạm phát trên được công bố sau khi dữ liệu xuất nhập khẩu tháng 4 của Trung Quốc đều tốt hơn dự báo. Những chuyển biến này có được một phần nhờ các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ Trung Quốc tích cực triển khai trong mấy tháng qua, giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng.

CPI tháng 4 của Trung Quốc tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố cuối tuần vừa rồi. Đây là một sự tăng tốc so với mức tăng 0,1% ghi nhận trong tháng 3, đồng thời cao hơn mức dự báo tăng 0,2% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

“Không tính giá năng lượng và thực phẩm, lạm phát lõi phản ánh sự khởi sắc của nhu cầu, nhất là ở mảng dịch vụ”, nhà kinh tế cấp cao Xu Tianchen của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit nhận định với Reuters.

Lạm phát lõi so với cùng kỳ năm ngoái của Trung Quốc trong tháng 4 là 0,7%, tăng từ mức 0,6% của tháng 3.

So với tháng trước, CPI toàn phần của Trung Quốc tăng 0,1%, thay vì giảm 0,1% như dự báo trong cuộc khảo sát của Reuters, và đảo ngược cú giảm 1% ghi nhận trong tháng 3.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh còn nhiều việc phải làm, vì xung lực của sự phục hồi có thể sẽ không bền vững, bởi các cuộc khảo sát chính thức đang cho thấy sự giảm tốc hoạt động của các nhà máy và trong lĩnh vực dịch vụ. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu quá đáy, dẫn tới nhu cầu phải có thêm các chính sách hỗ trợ.

“Việc các công ty dịch vụ tiện ích như điện nước tăng giá cũng có thể là một nhân tố đẩy CPI tăng”, ông Xu nói thêm. “Sức ép tài khoá đối với một số chính quyền địa phương khiến họ phải giảm bớt trợ cấp cho các doanh nghiệp này, dẫn tới việc doanh nghiệp phải đẩy sự gia tăng chi phí về phía người tiêu dùng”.

Trung Quốc hiện đang đối mặt với khối nợ 13 nghìn tỷ USD của các chính quyền địa phương. Chính phủ nước này đã yêu cầu các địa phương nợ nhiều hoãn hoặc dừng các dự án đầu tư hạ tầng vốn nhà nước.

“Các số liệu về giá cả mới nhất cho thấy nhu cầu trong nước đang hồi phục, nguồn cung và nhu cầu tiếp tục cải thiện, và triển vọng về nhu cầu trong nước cũng như phục hồi giá cả là lạc quan”, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Zhou Maohua thuộc ngân hàng China Everbright Bank nói với Reuters.

“Tuy nhiên, giá tiêu dùng vẫn còn tăng ở mức thấp và lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn đang đương đầu với áp lực, phản ánh nhu cầu còn chưa đủ mức và sự phục hồi của lĩnh vực này còn chưa thực sự cân bằng”, ông Zhou nhận xét.

Chỉ số PPI tháng 4 của Trung Quốc giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nông hơn mức giảm 2,8% ghi nhận trong tháng trước, nhưng là sự kéo dài xu hướng giảm đã tồn tại 1 năm rưỡi. Dữ liệu này cho thấy áp lực giảm phát vẫn chưa “buông tha” Trung Quốc.

Số liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 4 của Trung Quốc tăng 1,5% so vơi cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters. Trước đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,5% trong tháng 3, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 của nước này tăng 8,4%, vượt xa mức dự báo tăng 4,8% và đảo ngược cú giảm 1,9% trong tháng 3.

“Giá trị xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại, nhưng chủ yếu do cơ sở so sánh thấp”, nhà kinh tế Huang Zichun của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics nhận định.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý công bố hôm thứ Sáu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, chính xác và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi vừa phải của giá tiêu dùng chuyển biến thành sự phục hồi kinh tế vững chắc. Trước đó vào tháng 4, Bộ Chính trị Trung Quốc nói sẽ sử dụng các công cụ chính sách như tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.

“Xét đến đánh giá của cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc là ‘nhu cầu thực tế còn chưa đủ’, việc hỗ trợ chính sách nền tranh thủ xung lực hiện nay, bằng cách tăng cường việc quản lý kỳ vọng và tạo thêm nhiều kịch bản tiêu dùng”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của công ty Jones Lang LaSalle, ông Bruce Pang, khuyến nghị.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% mà Trung Quốc đề ra cho năm nay có thể nằm ngoài tầm với của nước này nếu không có thêm các chính sách hỗ trợ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate