Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, cho biết, Lúc 04 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão khoảng 15.8oN; 108.1oE, nằm giữa Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Cường độ bão cấp 10-11 (103-117km/giờ), giật cấp 13. Đà Nẵng có gió giật cấp 8.
Tính đến thời điểm này, tình hình thiệt hại ban đầu trên toàn thành phố như sau: Có 03 nhà dân bị tốc mái (người dân đã sơ tán đến nơi an toàn). Tổng số vụ sự cố lưới điện lũy kế do ảnh hưởng của bão là 14 vụ (Đã khôi phục: 4, chưa khôi phục: 10); Tổng số TBA bị mất điện: 173 trạm (Đã khôi phục: 8, chưa khôi phục: 84); Tổng số khách hàng bị mất điện: 7.832 khách hàng (Đã khôi phục: 2.923, chưa khôi phục: 4.909).
Có 75 cây xanh ngã đổ (Tập trung các khu vực quận Sơn Trà 11 cây, quận Hải Châu 12 cây, quận Liên Chiểu 13 cây...).
Lượng mưa ngày 28/9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200mm, có nơi trên 250mm.
Hai hồ thủy lợi lớn nhất của thành phố là: Hồ thủy lợi Hòa Trung mực nước trung bình lúc 4h ngày 28/9 là 38.0/41.10m; hồ Đồng Nghệ là 25.65/33.30 (thấp hơn ngưỡng tràn xả sâu 4,65m. Các hồ thuỷ lợi vừa và nhỏ dung tích hồ hiện tại đạt 50-70%.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đã bố trí lực lượng trực thường trực 24/24 bao gồm 50 người tại 18 hồ chứa (bao gồm 2 hồ lớn Đồng Nghệ, Hòa Trung), 3 đập dâng (An Trạch, Hà Thanh, Phước Hưng) trên địa bàn thành phố. Bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra vùng hạ du để cảnh báo cho Nhân dân khi có nước trong hồ qua tràn về hạ du.
Mực nước các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (thượng nguồn sông Vu Gia có ảnh hưởng lớn đến dòng chảy và lượng nước đổ về Đà Nẵng) như: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 đều đang thấp hơn mực nước đón lũ thấp nhất.
Mực nước sông (lúc 01h ngày 28/9): Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 420 cm ở dưới mức báo động I; sông Cẩm Lệ ở dưới mức báo động I.
Theo dự báo, ngày 28/9, ở khu vực các địa phương ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200mm, có nơi trên 250mm.
Thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022; Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT; của Thành ủy Đà Nẵng (tại Văn bản số 2381-CV/TU, ngày 26/9/2022) và Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng (tại Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 25/9/2022), trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
Đảm bảo an toàn tàu thuyền neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang và các nơi neo đậu, trú tránh bão trên địa bàn thành phố. Đặc biệt tập trung 60 ngư dân đang còn ở lại trên tàu cá tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện ứng trực tại khu vực để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra (hiện BCH Bộ đội Biên phòng: 4 xuồng và 45 cán bộ chiến sĩ, Công an: 01 xe chữa cháy, 02 xe chỉ huy và 30 cán bộ chiến sĩ, 01 tổ cấp cứu lưu động, Ban Quản lý Âu thuyền 20 người).
Đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các điểm sơ tán và các điều kiện sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, nước uống và an ninh trật tự tại các khu sơ tán.
Các lực lượng Công an, Giao thông, các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn đảm bảo an toàn, không cho người dân đi lại các tuyến giao thông, cầu, hầm trong thời điểm có bão, ngập. Đồng thời triển khai phương án phòng chống ngập úng đô thị, khu trung tâm; Đảm bảo an toàn hệ thống điện, an ninh trật tự và an toàn xã hội; Sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động tại các địa phương, các khu vực xung yếu. Tiếp tục hỗ trợ người dân các nhu yếu phẩm cần thiết tại các khu vực thiệt hại sau thiên tai.
Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu dọn cây xanh, công trình bị ngã đổ sau bão, lũ, khôi phục các tuyến giao thông.