LVMH là tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, với hơn 75 thương hiệu, bao gồm Dior, Louis Vuitton và Celine. Giải thưởng LVMH Prize được thành lập vào năm 2014 nhằm mở rộng hiểu biết về nguồn gốc của thời trang và hỗ trợ những tài năng mới vào thời điểm việc thành lập một doanh nghiệp độc lập ngày càng khó khăn. Bất kỳ nhà thiết kế nào dưới 40 tuổi, đã sản xuất ít nhất hai bộ sưu tập quần áo may sẵn (ready-to-wear), đều có thể đăng ký.
Trong 10 năm qua, Giải thưởng LVMH dành cho Nhà thiết kế thời trang trẻ đã định hình lại ngành thời trang bằng cách giới thiệu với thế giới những nhà sáng tạo có ảnh hưởng nhất hiện nay. Không chỉ những người chiến thắng được hưởng lợi, mà chỉ riêng việc được đề cử đã là một thành tựu lớn đối với một thương hiệu mới nổi, giúp quảng bá hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn trên toàn cầu. Năm nay, 2.400 nhà thiết kế từ khắp nơi trên thế giới đã đăng ký tham gia và có 9 người lọt vào vòng chung kết.
Trong lễ kỷ niệm lần thứ 10 của giải thưởng, nữ diễn viên người Israel Gal Gadot đã giữ vai trò người trao giải, cùng với sự tham gia của dàn ban giám khảo "sừng sỏ", bao gồm Maria Grazia Chiuri và Kim Jones của Dior, Nicolas Ghesquière của Louis Vuitton, Stella McCartney, Marc Jacobs và Jonathan Anderson của Loewe.
Và cuối cùng, giải thưởng lớn trị giá 400.000 EUR cùng với một năm tham gia học hỏi từ các chuyên gia của tập đoàn LVMH đã thuộc về nhà thiết kế Satoshi Kuwata của thương hiệu Setchu.
Kuwata năm nay 39 tuổi, là nhà thiết kế đến từ Kyoto, Nhật Bản. Anh đã chuyển đến London để học thiết kế thời trang tại Central Saint Martins vào năm 21 tuổi. Sau khi tốt nghiệp, anh từng hợp tác với Kanye West, Gareth Pugh, trong các xưởng may của nhà mốt Givenchy và sau đó là giám đốc thiết kế cho hãng Edun ở New York. Ngoài ra, Kuwata còn từng là giám đốc sáng tạo của Golden Goose.
Satoshi Kuwata đã thành lập Setchu vào năm 2020 như một thương hiệu không phân giới tính dành cho những người yêu thích thời trang cao cấp, bền vững. Và thương hiệu đã bước những bước đầu tiên tại đất Milan của Ý. Đây là một hãng giúp khách hàng sở hữu những món đồ có thể mặc theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như chiếc áo khoác có thể gập lại và áo len có đường gân với một hàng nút độc đáo. Các thiết kế của Kuwata dựa trên kiến thức chuyên sâu và sự tôn trọng đối với các nền văn hóa và nghề thủ công, tạo nên concept hài hoà giữa Nhật Bản và phương Tây thông qua các thiết kế áo khoác có thể gập lại tựa như các cấu trúc của nghệ thuật xếp giấy origami.
Chủ nghĩa tối giản cũng là điều mà Setchu muốn truyền tải. Các sản phẩm của họ đại diện cho sự cân bằng giữa phom dáng và màu sắc. Ngoài những hình ảnh về văn hóa bản địa của nhà thiết kế – anh còn tham khảo những tác phẩm điêu khắc, kiến trúc và gốm sứ của Nhật Bản cũng như của phương Tây. Gắn chặt những trải nghiệm của mình với truyền thống trong quá khứ của đất nước nhưng vẫn thể hiện được tầm nhìn về tương lai. Không những thế, anh còn hứa hẹn một thỏa hiệp vượt ra ngoài văn hóa của các quốc gia khác nhau, xoá bỏ ranh giới địa lý và tiếp cận với thời trang của thế giới hiện đại.
Đặc biệt, các thiết kế của Setchu nhấn mạnh tầm nhìn của mình về tính bền vững thông qua thuật ngữ tiếng Nhật “Mottainai”. Từ này thực chất là một biểu hiện của sự ghét bỏ đối với sự lãng phí và đây luôn là một phần không thể thiếu trong di sản đến từ đất nước mặt trời mọc. Theo công ty, thuật ngữ này được các nhà bảo vệ môi trường Nhật Bản sử dụng để kêu gọi mọi người giảm thiểu chất thải ra môi trường và thay vào đó tham gia vào việc tái chế và tái sử dụng.
Maria Grazia Chiuri, Giám đốc sáng tạo của Dior cho biết cô rất ấn tượng trước màn trình diễn của Kuwata đến nỗi đã phải mặc thử một trong những chiếc áo khoác của nhà thiết kế người Nhật. Cô khen ngợi thiết kế được chế tác công phu như một tác phẩm thời trang cao cấp. “Thật tuyệt vời. Nó nhẹ, vừa vặn. Mọi thứ đều hoàn hảo. Đó không chỉ là về quần áo, mà còn hơn thế nữa. Anh ấy hiểu cách duy trì di sản nhưng theo cách hiện đại, vượt thời gian, chất lượng và suy nghĩ về môi trường”.
Trong khi đó, Delphine Arnault, người vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch và giám đốc điều hành của Christian Dior Couture, cho biết ban giám khảo đã hoàn toàn nhất trí khi chọn lựa Satoshi Kuwata. “Anh ấy đã có một bài thuyết trình xuất sắc.” Tại LVMH Prize 2023, Satoshi Kuwata là một trong những thí sinh gần như chạm ngưỡng giới hạn độ tuổi cho người nộp đơn. Điều này khiến cô nhớ đến quý ngày Christian Dior: “Mr. Dior bắt đầu thương hiệu của mình khi ông ấy đã 42 tuổi”.
Năm 2022, Satoshi Kuwata và thương hiệu Setchu cũng đã chiến thắng tại "Who Is on Next?" lần thứ 18 - cuộc thi tài năng dành cho các nhà thiết kế trẻ được tài trợ bởi Alta Roma và Vogue Italia. Là người chiến thắng cuối cùng của LVMH Prize năm nay, Kuwata cho rằng những chuyến du lịch vòng quanh thế giới đã giúp mình có được cái nhìn toàn diện về công việc này và đặt mục tiêu biến Setchu trở thành một “công ty di sản” giống như LVMH.
Bên cạnh đó, còn có hai giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo Karl Lagerfeld đã được trao cho Julie Pelipas, người sáng lập Bettter, một thương hiệu quần áo phụ nữ Ukraine được xây dựng dựa trên việc tái sử dụng đồ cũ đã chết, và Luca Magliano của Magliano, một thương hiệu quần áo nam của Ý. Cả hai sẽ nhận được 200.000 euro và một năm cố vấn.
Cho đến nay, ban giám khảo LVMH có thành tích khá tốt trong việc xác định tài năng. Những người chiến thắng trong quá khứ bao gồm Nensi Dojaka, nhà thiết kế người Albania có gu thẩm mỹ nội y phá cách đã nắm bắt được xu hướng ăn mặc thoải mái sau đại dịch; Simon Porte Jacquemus, người sở hữu thương hiệu Jacquemus, đã trở thành hình ảnh đại diện cho trang phục Côte d’Azur hiện đại; và Grace Wales Bonner, nhà thiết kế người Anh có tác phẩm khai thác di sản Jamaica của cô và người thường được coi là ứng cử viên cho vị trí giám đốc sáng tạo tại các thương hiệu lớn.
Những nhà thiết kế trẻ tài năng khác từng chiến thắng LVMH Prize còn có Peter Do, Thebe Magugu, Marine Serre, Marta Marques và Paulo Almeida… Ngoài ra, giải thưởng cũng là bệ phóng sự nghiệp cho những nhà thiết kế giành giải nhì đặc biệt như Rokh, Jacquemus và Hood by Air.