Giá vàng thế giới giảm 7% trong tháng 6 vừa qua, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu tăng lãi suất trong năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó.
Tuyên bố đó được Fed đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ phục hồi nhanh và lạm phát cao hơn dự báo. Thay đổi lập trường của Fed làm tăng kỳ vọng của thị trường về lãi suất trong tương lai, khiến lợi suất trái phiếu tăng, làm gia tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Ngoài ra, lập trường nghiêng về cứng rắn của Fed cũng làm đồng USD tăng giá, tạo thêm sức ép mất giá đối với kim loại quý.
Thái độ mới của Fed đặt ra thách thức đối với giá vàng, nhưng đợt bán tháo của tháng 6 có vẻ đã đi quá đà, bởi các điều kiện chính sách tiền tệ nới lỏng chưa hề có sự thay đổi ở thời điểm hiện tại. Lãi suất tham chiếu của Fed vẫn ở ngưỡng 0-0,25% và ngân hàng trung ương này vẫn chi 120 tỷ USD mỗi tháng để mua tài sản. Vấn đề nằm ở chỗ các nhà đầu tư không nhìn vào hiện tại mà tập trung vào tương lai, cho dù tương lai đó còn khá xa. Fed dự báo sẽ nâng lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong vòng 1 năm rưỡi.
Dù vậy, mức tăng này được cho là không đủ để đưa lãi suất về trạng thái thực dương, bởi lạm phát sẽ tăng nhanh hơn. Khi lãi suất còn thực âm, giá vàng còn hưởng lợi.
NHÂN TỐ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Ngoài ra, theo dự báo của hầu hết giới phân tích, Fed sẽ chỉ bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng vào quý 1/2022, và tốc độ cắt giảm sẽ tuỳ thuộc nhiều vào việc nền kinh tế sẽ diễn biến như thế nào. Nói cách khác, tiến trình bình thường hoá chính sách tiền tệ của Fed và triển vọng của giá vàng sẽ phụ thuộc vào việc liệu đà phục hồi của nền kinh tế và thị trường tài chính có bị gián đoạn, hay lạm phát có sớm xuống thang hay không.
Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt sau Covid-19, và điều này không phải là một tin tốt đối với vàng, vì các nhà đầu tư sẽ tìm đến những tài sản có độ rủi ro cao hơn. Với các biện pháp kích cầu bằng tài khoá và tiền tệ, nền kinh tế chắc chắn sẽ đi đúng hướng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu đà hồi phục đó có duy trì khi sự hỗ trợ giảm dần và nhu cầu dồn nén trong nền kinh tế đã được giải toả hoàn toàn? Nếu tăng trưởng diễn ra bền vững và Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến, giá vàng sẽ gặp khó khăn.
Nhưng nếu tăng trưởng không bền vững và nghiêng về nguy cơ giảm tốc thì sao? Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng của thị trường lao động yếu đi trong mấy tháng gần đây, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tiếp tục cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Trong trường hợp như vậy, việc thắt chặt quá sớm có thể khiến sự phục hồi kinh tế bị trệch hướng. Xét tới mức nợ cao trong thế giới hậu đại dịch, chỉ mức tăng nhỏ của lãi suất cũng có thể gây nguy hiểm. Một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể nổ ra vì chi phí vay nợ gia tăng, đối với cả doanh nghiệp và chính phủ, tạo ra một cú sốc đối với giá tài sản. Vì lý do này, Fed sẽ phải giữ nguyên chính sách nới lỏng, duy trì một môi trường thuận lợi cho giá vàng.
Các biến chủng mới và những đợt bùng phát của Covid-19, biến động thị trường do lạm phát, vỡ bong bóng trên thị trường chứng khoán đã tăng kéo dài nhờ tiền kích cầu hoặc trên thị trường tiền ảo, căng thẳng địa chính trị và thương mại… là những rủi ro khác có thể trở thành hiện thực đối với chu kỳ kinh tế.
Xét đến những yếu tố này, nhà đầu tư có thể tiếp tục phân bổ vốn sang những kênh đầu tư giúp đa dạng hoá danh mục như vàng.
NHÂN TỐ LẠM PHÁT
Về lạm phát, mức lạm phát cao hiện nay - chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 5% trong tháng 5 - có thể chỉ là một hệ quả của hiệu ứng cơ sở so sánh thấp: CPI của tháng 4-5/2020 rất thấp. Trong thời gian tới, những con số lạm phát có thể dịu đi.
Nhưng mặt khác, lạm phát cũng có thể cao dai dẳng do những thay đổi mang tính cơ cấu. Chẳng hạn, phúc lợi thất nghiệp hào phóng ở Mỹ đang khiến nhiều người lao động ở nước này không muốn đi tìm việc làm. Các chủ doanh nghiệp vì thế gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công. Thực trạng này dẫn tới việc các doanh nghiệp phải tăng tiền lương để thu hút người lao động.
Trong thời gian tới, việc tăng lương tối thiểu và các công ty phải cạnh tranh tìm kiếm lao động sẽ dẫn tới lạm phát tiền lương cao hơn. Điều này thường có khuynh hướng kéo dài và gây ảnh hưởng lan rộng đến giá cả cũng như nhu cầu hàng hoá và dịch vụ.
Trong bối cảnh tăng trưởng và lạm phát cùng cao, Fed đến nay vẫn khẳng định rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Nếu đúng lạm phát chỉ là tạm thời như Fed nói, sẽ không có chuyện Fed tăng lãi suất mạnh tay, vì Fed không muốn gây trệch hướng tăng trưởng hay làm tăng chi phí vay nợ của Chính phủ liên bang.
Sự mềm mỏng của Fed luôn được cho là có lợi cho giá vàng.
Còn nếu lạm phát tăng kéo dài hơn những gì Fed tưởng, phản ứng bằng lãi suất của Fed sẽ bị chậm. Sự trì hoãn thắt chặt có thể đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, đẩy lãi suất thực xuống thấp hơn.
Trong trường hợp này, giá vàng có thể hưởng lợi đồng thời từ lạm phát cao và lãi suất thấp.
Nói tóm lại, triển vọng kinh tế cải thiện và khả năng Fed thắt chặt chính sách sẽ tạo ra những trở ngại cho giá vàng, hạn chế khả năng tăng của giá vàng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, những bấp bênh về tăng trưởng và lạm phát cùng những rủi ro khác đối với chu kỳ kinh tế sẽ hỗ trợ cho nhu cầu đầu tư vàng và giá vàng trong trung hạn.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư có thể tranh thủ những lúc giá vàng giảm như một cơ hội để thực hiện việc phân bổ danh mục cho tài sản chiến lược này.