Hiện nay, thống kê có tới hàng ngàn dự án muốn tham gia thị trường nhưng không thể tham gia, có cả những dự án đã hoàn thành nhưng vẫn phải nằm chờ. Giá trị các dự án này rất lớn. Số dự án này nếu được kích hoạt trở lại sẽ tạo ra thị trường và thúc đẩy kinh tế rất tốt.
Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức, sáng 11/7.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, quý 1 vừa qua, toàn thị trường chỉ có 2.700 giao dịch, quý 2 có tăng thêm một chút, vào khoảng 3.700 giao dịch nhà ở thành công trên toàn thị trường. Như vậy trong 2 quý đã có hơn 6.000 giao dịch. Nếu so với năm 2018, 2019 với tỷ lệ chỉ đạt vài %, con số này cho thấy sụt giảm về cầu nhà ở cực kỳ mạnh.
Năm 2018, ngót nghét 200.000 giao dịch từ các dự án mới về nhà ở được tung vào thị trường và đã được hấp thụ. Năm 2019 cũng có khoảng 180.000 giao dịch thành công.
Tính sơ bộ, mỗi năm lượng tiền giao dịch trên thị trường bất động sản khoảng 1 triệu tỷ đồng. Nếu so sánh với năm nay thì giao dịch bất động sản hiện chỉ còn vài ngàn tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam phân tích, có 4 nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm thê thảm, 1 là do giá, hai là do tâm lý, ba là dòng tiền và 4 là nguồn cung.
Nói về nguồn cung, ông Nguyễn Văn Đính đánh giá rằng hiện nay các sản phẩm rất nghèo nàn và không có chất lượng. Hiện nguồn cung không phù hợp với đại bộ phận thị trường, không phù hợp với nhu cầu thực sự của người dân.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt này chỉ là tạm thời vì còn khoảng 1.000 dự án đang nằm chờ tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý.