Dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11 và được dự báo sẽ đạt 9 tỷ người trong vòng 15 năm tới. Cùng với đó, số người già trên thế giới sẽ tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy - tờ Financial Times dẫn số liệu mới nhất từ Liên hiệp quốc cho hay.
Tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm hơn một nửa từ thập niên 1950 đến nay, còn 2,3 con/phụ nữ. Tỷ lệ tử cũng giảm, dẫn tới số người từ 65 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng từ mức 783 triệu người vào năm 2022 lên mức 1 tỷ người vào năm 2030 và 1,4 tỷ người vào năm 2043 - theo Liên hiệp quốc.
Như vậy, chỉ mất 20 năm từ năm 2022 đến 2043 để dân số từ 65 tuổi trở lên của thế giới tăng thêm 623 triệu người từ mức hiện nay. Trong khi đó, phải mất 70 năm đến số người trong độ tuổi đó tăng 651 triệu người lên mức hiện tại.
Tổng dân số toàn cầu được dự báo sẽ đạt đỉnh 10,4 tỷ người vào thập niên 2080.
Ngược lại, số người dười 15 tuổi được dự báo đã đạt đỉnh vào năm ngoái ở mức 2 tỷ người. Tỷ lệ người từ 15-64 tuổi, vốn được coi là độ tuổi lao động, đang giảm xuống.
“Những thập kỷ sắp tới sẽ được đánh dấu bởi sự gia tăng mạnh mẽ số người già, khi số lượng lớn những người sinh ra vào giữa thế kỷ trước bước vào tuổi già”, chuyên viên của Liên hiệp quốc về vấn đề dân số, bà Sara Hertog, phát biểu.
Từ năm 1950 đến nay, tuổi trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 8 tuổi, lên mức 30 tuổi. Theo dự báo, đến năm 2050, tuổi trung bình toàn cầu sẽ tăng lên 36 tuổi. Ở khu vực Đông Á và Nam Âu, con số này thậm chí vượt 50 tuổi.
Lão hoá dân số là “một thắng lợi của các nỗ lực phát triển” - theo giáo sư Norbert Meiners thuộc Học viện Lão hoá dân số Oxford. Người dân trên toàn cầu đang sống lâu hơn vì dinh dưỡng cải thiện, các tiến bộ y khoa, vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và tiến bộ kinh tế, ông Meiners nói.
Lão hoá, chứ không phải tăng trưởng dân số, “là thay đổi quan trọng nhất của dân số toàn cầu trong thế kỷ này” - theo ông Michael Holdin, Tổng giám đốc của Liên minh Lão hoá Toàn cầu (Global Coalition on Aging).
Phản ứng với dân số lão hoá, nhiều quốc gia đã bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu lên trên 65 tuổi.
Nếu không có thêm hành động chính sách, từ hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ cho tới hỗ trợ y tế, sự suy giảm của tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động tại các nền kinh tế phát triển “được dự báo sẽ kéo tụt tăng trưởng và mức sống” - chuyên gia kinh tế Shruti Singh tại Trung tâm Cơ hội bình đẳng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phát biểu.
Ông Holdin nói thêm rằng hệ thống y tế của các quốc gia cũng cần dịch chuyển trọng tâm để phát hiện và ngăn chặn sớm hơn, nếu không “chúng ta sẽ không thể đủ khả năng để trang trải cho bất kỳ thứ gì”.
Khoảng 30% dân số Nhật Bản hiện đã ở tuổi từ 65 trở lên. Tỷ lệ này ở châu Âu là 20%, cao gấp đôi mức bình quân toàn cầu và cao nhất trong số các châu lục. Ở Châu Âu và Bắc Mỹ toàn bộ sự tăng trưởng dân số trong tương lai có thể chỉ xảy ra ở nhóm người cao tuổi - theo bà Hertog.
Dù nói chung vẫn có dân số trẻ hơn, các nước đang phát triển ở Mỹ Latin và châu Á đang lão với tốc độ nhanh hơn so với các nước phát triển. Đông Á và Đông Nam Á được dự báo sẽ có số người từ 65 tuổi trở lên tăng nhiều nhất thế giới trong thời gian từ nay đến năm 2050, chiếm hơn 1/3 tổng số tăng thêm trên toàn cầu - theo Liên hiệp quốc.
Đối với Mỹ Latin và vùng Caribbean, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên có thể tăng gấp đôi từ mức 9% vào năm 2022 lên 19% vào năm 2050.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nói rằng mối lo về dân số lão hoá đã bị thổi phồng, một phần bởi định nghĩa đã lỗi thời về người cao tuổi. “Hầu hết những người ngoài 60 tuổi có học vấn đều có thể đóng góp cho nền kinh tế hiện đại”, giáo sư lão khoa Sarah Harper thuộc Đại học Oxford phát biểu.
Trên thực tế, tỷ lệ tử - số người chết trong một nhóm độ tuổi tính trên 1.000 người thuộc độ tuổi đó - của những người từ 65-69 tuổi vào năm 1950 là cao hơn so với ở những người từ 75-79 tuổi hiện nay, theo dữ liệu của Liên hiệp quốc.
Người dân đang sống cuộc sống khoẻ mạnh hơn và lâu hơn trên khắp thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Những người lớn tuổi hơn vẫn còn làm việc chiếm tỷ lệ ngày càng lớn - theo OECD - cho dù tỷ lệ có việc làm ở hầu hết các quốc gia vẫn giảm mạnh theo độ tuổi từ những người 60 tuổi trở ra.
Khi nhiều người ngoài 60 tuổi vẫn còn làm việc và đóng góp cho nền kinh tế và xã hội, “nhân tố quan trọng là sức khoẻ tốt ở giai đoạn cuối đời”, ông Harper nói. “Nếu chúng ta có thể duy trì được điều đó, thách thức về dân số sẽ giảm”.