August 23, 2024 | 14:17 GMT+7

Tối ưu nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Hội thảo với chủ đề: “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” diễn ra tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia...

Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”. Ảnh: Việt Dũng
Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”. Ảnh: Việt Dũng

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đồng tổ chức. Hội thảo được phát sóng trên các nền tảng trực tuyến của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy vào lúc 13h ngày 26/08/2024.

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các bên liên quan, các chuyên gia nhằm có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW (ban hành 15/1/2019) của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Hội thảo được chia thành 3 phiên chính, bao gồm một phiên tham luận và hai phiên thảo luận.

Phiên tham luận đưa ra các đánh giá và báo cáo chi tiết về việc thực hiện Nghị quyết 39 trong 5 năm qua, đồng thời nêu lên những thách thức và cơ hội trong giai đoạn tiếp theo.

Đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày các báo cáo chuyên ngành gắn với các đề xuất cụ thể nhằm khơi thông nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng
TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

Ba nhóm vấn đề chính thảo luận tại hội thảo, bao gồm:

Thứ nhất, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu về tài chính nêu tại Nghị quyết 39 như mục tiêu giữ vững an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước; đảm bảo mức nợ công không vượt, nợ Chính Phủ, nợ nước ngoài hay dư nợ thị trường trái phiếu; duy trì ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước và mức dữ trự quốc gia.

Thứ hai, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết 39-NQ/TW. Trong đó, các nhiệm và, giải pháp chung hướng tới sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước như chính sách tiền tệ, quản lý nợ công, dự trữ Quốc gia,… Đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, phát triển các thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm,…

Thứ ba, nhận diện các hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện Nghị quyết 39 -NQ/TW về tài lực trong các lĩnh vực ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, dữ trữ quốc gia, thị trường bảo hiểm, quản lý tài sản công, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập hay lĩnh vực tài chính doanh nghiệp…

Điểm nhấn của hội thảo là phiên thảo luận về tài chính xanh – một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Các đại biểu đã thảo luận về thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh, thị trường tín chỉ carbon; đồng thời phân tích những khó khăn hiện tại trong việc phát triển các thị trường này. Trên cơ sở đó, các giải pháp cụ thể đã được đề xuất để thúc đẩy việc cung ứng nguồn vốn xanh, hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tham dự và chủ trì hội thảo có TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cùng hàng chục chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, bảo hiểm, thị trường vốn.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Việt Dũng
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Việt Dũng

Phần tham luận có sự góp mặt của các chuyên gia, gồm:

- Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính;

- Đại diện Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV;

- Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Phiên thảo luận đầu tiên với nội dung “Mô hình và các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khơi thông nguồn lực tài chính phát triển kinh tế - xã hội” do TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, điều hành cùng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia:

- TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam;

- TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê;

- TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính;

- Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN;

- Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital.

Phiên thảo luận 2 với nội dung “Thu hút và phát huy hiệu quả tài chính xanh, tài chính khí hậu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới” do TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), điều phối cùng sự có góp mặt của các chuyên gia:

- TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương;

- Bà Nguyễn Quỳnh Chi, Giám đốc Quốc gia về Tài chính bền vững, Ngân hàng MUFG;

- Ông Võ Hoàng Hải, Thành viên Tổ tư vấn, Chính sách tài chính tiền tệ Tp.Hồ Chí Minh, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank;

- Ông Nguyễn Thanh Hải, Chuyên gia kinh tế cấp cao, GIZ Việt Nam;

- Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ VinaCarbon;

- Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” không chỉ mang lại cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế cũng như các nguồn lực tài chính hiện nay mà còn mở ra những định hướng chiến lược, thiết kế dòng chảy vốn bền vững đối với quá trình vận động của nền kinh tế trong thời gian tới. 

Theo đó, những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách tài chính phù hợp, sớm đưa Việt Nam tiếp tục tiến lên trên con đường phát triển bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate