Ngày 24/7, Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đăng tải những dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy trích dẫn lại những dấu ấn đặc biệt này.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư luôn quan tâm tới lĩnh vực xã hội, đã để lại di sản lớn về quản lý xã hội và phát triển chính sách xã hội, luôn dành sự quan tâm đến lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, an sinh xã hội và chính sách xã hội nói chung, đặc biệt đến công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành sự quan tâm đặc biệt, sự biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân.
Khi đất nước mới được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh nhận con em những anh hùng liệt sĩ làm con nuôi với lời lẽ mộc mạc, giản dị mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi".
Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27/7/1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng một cuộc mít-tinh lớn tại Đại Từ, Thái Nguyên.
Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong suốt 77 năm qua, nhất là gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Tại buổi gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và cảm ơn tấm lòng tri ân của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nói chung, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói riêng, trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm.
Qua đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình nghĩa thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của thế hệ sau đối với công lao của các thế hệ người đi trước.
Một số hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt người có công với cách mạng:
13h38 ngày 19/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau thời gian lâm bệnh, dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, bác sĩ, tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc.
Tang lễ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7, sau đó ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Linh cữu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức từ 7h đến 22h ngày 25/7, và 7h đến 13h ngày 26/7. Lễ truy điệu 13h ngày 26/7. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Trong hai ngày Quốc tang 25 và 26/7, các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.