August 24, 2022 | 16:00 GMT+7

Tổng công ty 3-2 không phải doanh nghiệp nhà nước?

Đỗ Mến -

Luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng cần trả lời 2 câu hỏi quan trọng là Tổng công ty 3-2 có phải là doanh nghiệp nhà nước không và quyền sử dụng khu đất 43ha có phải là tài sản nhà nước không?..

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 22/8, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu (còn gọi là Tổng công ty 3-2, mã PRT) tiếp tục với phần tranh luận.

Quá trình xét hỏi, bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh – cựu Chủ tịch HĐQT của PRT) không nhận tội, kêu oan khi bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí. Bị cáo Dương liên quan đến thương vụ “bán rẻ” khu đất 43ha.

Bào chữa cho bị cáo Dương, luật sư Đinh Anh Tuấn trích dẫn kết luận giám định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/10/2020 thể  hiện: “Tổng công ty SX-XNK Bình Dương do Tỉnh uỷ Bình Dương làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, không được xác định là doanh nghiệp nhà nước”;

“Doanh nghiệp của Đảng không phải là đối tượng bắt buộc phải áp dụng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước do Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ban hành. Tuy nhiên, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thể vận dụng các quy định đối với doanh nghiệp nhà nước để tổ chức, uản lý doanh nghiệp của mình”.

Theo luật sư Tuấn, hồ sơ vụ án cho thấy, cơ quan điều tra, cơ quan truy tố không có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại với kết luận trên. Như vậy, cơ quan truy tố đã dồng ý với kết luận giám định trên.

Ngoài ra, năm 2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã đưa ra 6 nội dung trưng cầu giám định, trong đó có việc: “Tổng công ty chuyển nhượng 43ha và góp vốn bằng quyền sử đụng dất 145ha thì các quyền sử dụng đất có phải là tài sản nhà nước tại doanh nghiệp hay không?...”

Kết luận giám định của Bộ Tài chính không kết luận về vấn đề trên. Do đó, luật sư Tuấn đề nghị trả hồ sơ để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp với nội dung trên.

Cũng theo luật sư Tuấn, trong hồ sơ vụ án có nhiều văn bản xác nhận số tiền Tổng công ty 3/2 làm nghĩa vụ tài chính tại khu đất 43ha không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Việc khởi tố, truy tố nhóm bị cáo liên quan đến khu đất 43ha không cấu thành tội danh trên.

Theo cáo buộc, bị cáo Dương giữ vai trò đồng phạm giúp sức với bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT của PRT).

Bị cáo Dương thành lập Công ty Âu Lạc và giao cho bị cáo Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng giám đốc, đại diện pháp luật. Công ty Âu Lạc góp tiền và PRT góp vốn bằng quyền sử dụng dất để thành lập Công ty Tân Phú. Mặc dù bị cáo Dương không đứng tên góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc nhưng kết quả điều tra thể hiện, Dương nhờ Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và là người trực tiếp điều hành công ty này.

Khi PRT chưa chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú và chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú song bị cáo Dương đã đàm phán, thỏa thuận với bà Nguyễn Thị Kim Oanh (Công ty Kim Oanh TPHCM). Nội dung là Công ty Âu Lạc sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho bà Oanh với giá 350 tỷ đồng. Lẽ ra khi PRT cổ phần hóa, khu đất trên phải được trả về Công ty Impco song bị cáo Minh chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú. Khi thương vụ hoàn tất, Công ty Tân Phú đứng tên sở hữu khu đất trên mà sau này, chủ sở hữu thực sự là Công ty Kim Oanh.

Theo luật sư Tuấn, bị cáo Dương khai tại tòa rằng việc bị cáo tìm đối tác có năng lực và giới thiệu để liên danh với Tổng công ty 3/2 là không vi phạm điều cấm pháp luật. Việc Tổng công ty 3/2 ra nghị quyết đồng ý liên danh với Công ty Âu Lạc không liên quan đến vai trò của bị cáo Dương.

Về việc lập hồ sơ để được giao đất và nộp tiền sử dụng đất, bị cáo Dương cũng không biết và không liên quan. Vì vậy, luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo Dương không phạm tội trên.

Trước đó, luật sư Nguyễn Văn Hiệp – bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh cũng phản bác cáo buộc bị cáo Minh và đồng phạm có sự “câu kết, cùng thực hiện của Dương”. Theo luật sư, khái niệm “câu kết” là chưa đúng bản chất sự việc vì Tổng công ty 3/2 cần vốn để thực hiện dự án nên chỉ nhờ Dương tìm đối đác.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate