Tổng cục Thuế cho rằng, chỉ số CPI đến hết 6 tháng đầu năm 2019 chưa đến mức biến động 20% để phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Tổng cục Thuế vừa phát đi thông cáo xoay quanh việc xem xét, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi CPI biến động trên 20%.
Theo đó, cơ quan này cho biết, theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 có hiệu lực từ 1/7/2013, mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Tuy nhiên, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019 thì CPI mới chỉ tăng 18,17% so với thời điểm 1/7/2013 và chưa đến mức biến động 20% để phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
"Theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, dự kiến mức tăng CPI năm 2019 khoảng dưới 4% dẫn đến CPI có thể vượt trên 20% so với thời điểm Luật số 26 có hiệu lực.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang phối hợp với đơn vị có thẩm quyền của Bộ Tài chính để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân cùng với việc rà soát đánh giá tổng kết toàn diện chính sách thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét quyết định", Tổng cục Thuế cho biết.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cũng nhận định, hiện chưa phải là thời điểm phù hợp với quy định pháp luật để xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân.
Theo ông Trường, mức giảm trừ gia cảnh không hề lạc hậu so với CPI vì khi điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong lần sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013), Quốc hội đã tính đến yếu tố trượt giá cho những năm tiếp theo khi áp dụng luật.
Ông Trường cũng cho rằng, chính sách thuế cần sự ổn định nhất định để đảm bảo tính có thể dự báo cho người nộp thuế, để các doanh nghiệp có thể chủ động lập chiến lược và kế hoạch kinh doanh.