Hội đồng Quản trị Lienvietpostbank (mã chứng khoán: LPB -HOSE) vừa có quyết định chấp nhận đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Phạm Doãn Sơn vì nguyện vọng cá nhân.
Ông Phạm Doãn Sơn sinh năm 1967, là Thạc sĩ Kinh doanh của trường Đại học IMPAC (Hoa Kỳ) và Cử nhân Kế toán của Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội. Ông Phạm Doãn Sơn đã có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trước khi gia nhập Lienvietpostbank vào năm 2008 với vai trò là Trưởng Ban kiểm soát, sau đó ông được bầu làm Tổng Giám đốc.
Sau khi ông Phạm Doãn Sơn từ nhiệm, HĐQT Lienvietpostbank quyết định giao ông Hồ Nam Tiến, Phó Tổng Giám đốc Thường trực đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc Ngân hàng.
Ông Hồ Nam Tiến sinh năm 1971, tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân, Thạc sỹ Học viện Ngân hàng. Ông là người có năng lực và kinh nghiệm điều hành nhiều năm tại vị trí cấp cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông Hồ Nam Tiến cũng đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc Lienvietpostbank từ tháng 8/2010, tham gia quản lý chuyên sâu, phụ trách nhiều lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau tại Lienvietpostbank.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản Lienvietpostbank đạt gần 350.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, vốn điều lệ tăng lên 17.291 tỷ đồng, gấp gần 6 lần vốn điều lệ tại thời điểm thành lập, lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành 118% kế hoạch năm.
Riêng lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 của LienVietpostbank đạt 867 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý cuối cùng của năm 2022, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng trưởng chậm lại rõ rệt so với những quý trước, ghi nhận ở mức 2.771 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối kém khả quan khi bị lỗ gần 15 tỷ đồng. Trong khi ngược lại, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng ấn tượng 183% lên 882 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động quý 4/2022 của LienVietPostBank giảm 14,6% so với cùng kỳ xuống 1.506 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng gấp 3 lần lên 1.306 tỷ đồng. Việc tăng mạnh trích lập dự phòng cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng lợi nhuận bị thu hẹp.
Nhìn chung phần lớn các mảng kinh doanh của ngân hàng đều tăng trưởng khả quan, đặc biệt là nguồn thu cốt lõi (thu nhập lãi thuần) và nguồn thu từ dịch vụ. Ngoài ra, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động) của ngân hàng được cải thiện đáng kể, giảm từ 50,6% xuống 37,4%.