Trong cuộc họp báo gần đây, ông Macron cho biết hai người đã có một “cuộc thảo luận tuyệt vời về IRA và những đạo luật gần đây được chính quyền Mỹ thông qua”. Mặc dù không đi vào chi tiết cụ thể, nhưng ông Macron tuyên bố “Chúng tôi đã đồng ý đồng bộ hóa lại các phương pháp tiếp cận, chương trình nghị sự của để đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi quan trọng như chất bán dẫn, pin, hydro, mọi thứ hoàn toàn mang tính quyết định. Bởi vì, trên thực tế, chúng tôi chia sẻ cùng một tầm nhìn và cùng một thiện chí”.
Trong một phiên hỏi đáp, IRA lại được nhắc đến vì ông Macron trước đó cho rằng nó gây ra nhiều khó khăn đối với các công ty châu Âu. Tổng thống Biden đáp lại bằng cách nói rằng ông “không xin lỗi” về Đạo luật IRA.
Tuy nhiên, ông Biden tiếp tục nói “khi bạn viết một Bộ luật lớn rõ ràng sẽ có những trục trặc trong đó và cần phải điều chỉnh những thay đổi trong đó. Chúng tôi có thể giải quyết được rất nhiều điều và có những điều chỉnh mà chúng tôi có thể thực hiện để về cơ bản có thể giúp các nước châu Âu tham gia dễ dàng hơn”.
Tổng thống Biden tiếp tục nói rằng luật này “không bao giờ có ý định loại trừ những người đang hợp tác với chúng tôi” và tuyên bố “chúng tôi sẽ tiếp tục tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ, nhưng không gây bất lợi cho châu Âu”.
Trong khi đó ông Macron nói rằng luật này có mục đích tốt, nhưng có "hậu quả" ở châu Âu và "có sự khác biệt về trợ cấp" đến mức một số dự án ở châu Âu có thể kết thúc.
Tổng thống Pháp tiếp tục nói hai nước cần “tái đồng bộ hóa” và “tìm ra chính sách mới để làm rõ mục tiêu của chúng ta và tiếp tục cùng nhau”. Macron nói thêm rằng ông muốn chấm dứt “khoảng 15 năm mất mát của ngành công nghiệp ở đất nước và để có những công việc sản xuất mới”.
Trong một tuyên bố chung, hai bên cho biết “họ mong đợi kết quả của Lực lượng đặc biệt Mỹ-EU về Đạo luật giảm lạm phát để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Mỹ-EU về năng lượng sạch và khí hậu thông qua các biện pháp cùng có lợi”.
Lực lượng đặc biệt được thành lập vào đầu năm nay, sau sự phản đối của châu Âu đối với IRA vì nó ngăn cản các phương tiện điện do châu Âu sản xuất đủ điều kiện nhận ưu đãi. Các quan chức trước đây đã đề xuất IRA đi ngược lại các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mang lại lợi ích không công bằng cho các phương tiện và pin được sản xuất tại Bắc Mỹ.
Châu Âu không đơn độc khiếu nại khi các quan chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nêu vấn đề này khi các mẫu xe như Hyundai Ioniq 5, Kia EV6, Subaru Solterra và Toyota bZ4X không còn đủ điều kiện nhận ưu đãi. Điều này khiến họ gặp bất lợi nghiêm trọng khi so sánh với các phương tiện đủ điều kiện nhận ưu đãi của liên bang tại thị trường lớn thứ 2 thế giới là Mỹ.