Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông đang xem xét mua vũ khí của Nga và Trung Quốc, và sẽ chấm dứt các cuộc tuần tra chung với lực lượng của Mỹ trên biển Đông.
Theo tin từ Bloomberg, trong một bài phát biểu trên truyền hình trước các sỹ quan quân đội ở Manila, ông Duterte nói hai quốc gia trên đã nhất trí cung cấp cho Philippines một khoản vay thời hạn 25 năm để mua trang thiết bị quân sự. Ông cho biết sắp tới, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana sẽ thăm Trung Quốc và Nga “để xem thứ gì là tốt nhất”.
Trong bài phát biểu này, Tổng thống Philippines nói ông không muốn cắt đứt quan hệ liên minh với các nước đồng minh. Tuy nhiên, việc Duterte tính mua vũ khí của Nga và Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất về sự dịch chuyển của Manila khỏi hiệp ước quốc phòng đã có giữa Philippines với Mỹ từ năm 1951.
Sau khi có những lời lẽ mang tính xúc phạm Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tuần trước khiến ông Obama hủy kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai người, ông Duterte còn lên tiếng chỉ trích việc quân đội Mỹ sát hại người Philippines ở thời kỳ đầu cai trị nước này. Vào hôm thứ Hai tuần này, ông Duterte còn kêu gọi lính đặc nhiệm Mỹ rời khỏi đảo Mindanao thuộc miền Nam Philippines.
“Có vẻ như Duterte đang thực hiện tuyên bố của ông ấy về nỗ lực theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập”, giảng viên Eduardo Tadem thuộc Đại học Philippines nhận định. “Vấn đề đặt ra là sự đánh đổi là gì? Đặc biệt là Trung Quốc sẽ được gì?”
Trong bài phát biểu ngày 13/9, Duterte nói Philippines cần loại máy bay cánh quạt có thể dùng trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy và khủng bố. Ông nói ông muốn mua vũ khí “ở nơi có giá rẻ, không có những ràng buộc đi kèm, và minh bạch”.
“Tôi không cần chiến đấu cơ, những chiếc F-16 chẳng có ích gì với chúng tôi”, Duterte nói. “Chúng tôi không có ý định đánh bất kỳ nước nào cả”.
Từ năm 1950, Mỹ chiếm khoảng 75% kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Philippines - theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm. Trong khoảng thời gian đó, Nga và Trung Quốc không hề cung cấp vũ khí cho Philippines.
Theo ông Jon Grevatt, một nhà phân tích quốc phòng thuộc công ty nghiên cứu IHS Jane’s ở Bangkok, Mỹ có thể sẽ có động thái ngoại giao để ngăn Philippines mua một hệ thống phòng thủ lớn từ Trung Quốc. Ngân sách mua sắm quốc phòng năm nay của Philippines đã tăng lên mức 524 triệu USD, cao hơn 60% so với năm ngoái, số liệu của IHS cho thấy.
“Nếu xảy ra, việc Philippines dịch chuyển khỏi Mỹ sẽ là một động thái lớn. Trung Quốc và Nga sẵn sàng đón nhận bất kỳ cơ hội nào để nhảy vào thị trường mới này”, ông Grevatt phát biểu.
Duterte cũng nói Philippines sẽ không tiếp tục tham gia vào các cuộc tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông nhằm tránh dính líu vào “hành động thù địch”. “Tôi chỉ muốn tuần tra lãnh hải của chúng tôi”, ông nói.
Mỹ bắt đầu tuần tra chung với Philippines trên biển Đông hồi đầu năm nay, trước khi ông Duterte đắc cử Tổng thống hồi tháng 5. Khi đó, hai nước nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự để ứng phó với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Một số chuyên gia nói rằng việc chấm dứt tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông cho thấy Duterte có mục đích cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Trong một tuyên bố gửi đi bằng đường email ngày 13/9, quân đội Philippines nói quan hệ quốc phòng của nước này với Mỹ vẫn “bền vững” và các hoạt động đã được lên kế hoạch cho năm nay sẽ tiếp tục mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào. Theo tuyên bố, quân đội Philippines chưa nhận được chỉ thị cụ thể về việc Tổng thống Duterte kêu gọi lính đặc nhiệm Mỹ rút khỏi Mindanao sẽ được thực thi như thế nào.
Phản ứng trước tuyên bố của Duterte về quân Mỹ ở Mindanao, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross ngày 12/9 nói quan hệ Mỹ-Philippines “đã là hòn đá tảng cho sự ổn định trong 70 năm qua”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đối tác Philippines để điều chỉnh sự hỗ trợ của chúng tôi cho phù hợp với cách tiếp cận của chính quyền mới ở Philippines”, ông Ross nói.
Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày thứ 13/9, phát ngôn viên Ernesto Abella của Tổng thống Duterte nói rằng tuyên bố của ông Duterte về lính đặc nhiệm Mỹ phải rời Mindanao mới chỉ là khả năng, chưa được đặt thành chính sách.
“Những tuyên bố đó chưa trở thành quyết sách”, ông Abella cho hay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate