July 15, 2025 | 11:43 GMT+7

Tổng thống Trump dọa đánh thuế 100% những nước nhập khẩu hàng hóa Nga

Ngọc Trang -

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ “rất không hài lòng” khi Moscow chậm chạp trong tiến trình tiến chấm dứt xung đột ở Ukraine...

Tổng thư ký NATO Mark Rutte (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 14/7 - Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Mark Rutte (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 14/7 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/7/2025 cho biết Washington có thể sẽ áp thuế quan thứ cấp 100% với các quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Nga nếu chiến tranh ở Ukraine không sớm chấm dứt.

Phát biểu này được đưa ra khi ông Trump công bố một thỏa thuận với các đồng minh trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.

Trong cuộc làm việc tại Phòng Bầu Dục với Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 14/7, Tổng thống Mỹ nói rằng ông “rất không hài lòng” khi Moscow đang chậm chạp trong tiến trình tiến tới thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine.

“Tôi rất không hài lòng với Nga. Tôi thất vọng với Tổng thống Vladimir Putin. Tôi nghĩ rằng chúng ta lẽ ra có thể đã đạt được một thỏa thuận từ 2 tháng trước”, ông Trump phát biểu.

“Chúng tôi sẽ áp thuế quan rất cao nếu như không có một thỏa thuận nào đạt được trong vòng 50 ngày tới. Thuế quan có thể ở mức khoảng 100%. Đây là thuế quan thứ cấp. Thuế quan này có sức mạnh rất lớn”.

Tổng thống Mỹ trước đây từng đề cập tới khả năng áp thuế quan thứ cấp - một loại thuế quan được áp đặt với các quốc gia và thực thể nhập khẩu hàng hóa của Nga - khi ông ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với tiến trình đàm phán hòa bình chậm chạp của Moscow.

Thuế quan này sẽ tác động mạnh tới các quốc gia nhập khẩu nhiều nhiên liệu hóa thạch của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ kỳ.

Hồi tháng 3, ông Trump cũng nói rằng: “Nếu Nga và tôi không thể đi tới một thỏa thuận về việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, và nếu tôi xác định đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp đặt thuế quan thứ cấp với toàn bộ dầu mỏ xuất khẩu của Nga”.

Hiện chưa rõ thuế quan thứ cấp mà ông Trump đề cập ngày 14/7 sẽ được áp dụng với những mặt hàng nào.

“Chúng tôi từng rất thành công trong việc hòa giải các cuộc chiến tranh, thông qua công cụ thương mại”, ông Trump phát biểu, đề cập tới các cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan cũng như giữa Rwanda và Congo.

Trước Nga, tháng 3/2025, ông Trump cũng đe dọa rằng Mỹ sẽ áp thuế quan 25% với các quốc gia nhập khẩu dầu và khí đốt của Venezuela. Tháng 5/2025, Tổng thống Mỹ cũng đưa ra lời đe dọa tương tự với các quốc gia nhập khẩu dầu của Iran.

“Thuế quan thứ cấp” với Venezuela gây áp lực lớn với Trung Quốc bởi nước này là khách hàng lớn nhất của dầu Venezuela.

Thời gian qua, dù các nước đồng minh châu Âu của Mỹ đã xúc tiến áp đặt trừng phạt bổ sung để gây áp lực buộc Nga đẩy mạnh đàm phán hòa bình với Ukraine, ông Trump vẫn chưa có động thái đáng kể. Việc đe đọa áp thuế quan thứ cấp với Nga ngày 14/7 đánh dấu sự thay đổi trong lập trường ủng hộ Ukraine của ông Trump và cho thấy ông ngày càng mất kiên nhẫn với Tổng thống Putin.

Trở lại cuộc làm việc tại Nhà Trắng, ông Trump xác nhận kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm hệ thống tên lửa Patriot. Ông cho biết những thiết bị quân sự trị giá “hàng tỷ USD” này sẽ được các nước đồng minh NATO mua lại từ Mỹ và nhanh chóng gửi ra chiến trường cho Ukraine.

Về phần mình, ông Ruttle cho biết Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Canada đều kỳ vọng sẽ được tham gia vào thỏa thuận vụ khí này.

“Tôi đã nói chuyện với lãnh đạo Đức và lãnh đạo hầu hết các nước NATO, họ đều rất nhiệt tình về việc này”, ông Trump chia sẻ.

Những tuần gần đây, Moscow tăng cường không kích vào các thành phố của Ukraine. Hàng trăm máy bay không người lái do Iran chế tạo của Nga đã tấn công vào nhiều cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, bên cạnh tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate