July 27, 2023 | 18:06 GMT+7

Tổng thư ký VBMA: Nâng cao năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế

Kiều Linh -

Với mức công bố thông tin như quy định hiện tại đặc biệt với trái phiếu riêng lẻ khi chưa có xếp hạng tín nhiệm thì không có cửa cho nhà đầu tư định giá. Việc công bố thông tin phải minh bạch lên để đảm bảo nhà đầu tư tiếp cận được định giá được...

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư Ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư Ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.

Công bằng và minh bạch thông tin giữa tất cả các thành phần trên thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất được các chuyên gia đề cập tại Đối thoại tháng 7 - Kinh tế vĩ mô và "Đối thoại Tháng 7: Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán" ngày 26/7 do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh: "Với những bản công bố thông tin của doanh nghiệp hiện nay, tôi chắc chắn không bao giờ mua trái phiếu 5-7 năm vì không biết được tình hình trả nợ của doanh nghiệp như thế nào".

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư Ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, lưu ý rằng có hai yếu tố quan trọng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gồm chất lượng hàng hóa và minh bạch thông tin.

Thứ nhất, về minh bạch thông tin. Tới đây sẽ có khoảng 1.200 doanh nghiệp niêm yết trái phiếu lên sàn mà với chính sách công bố thông tin như hiện tại thì không có cửa cho nhà đầu tư định giá được doanh nghiệp.

"Làm sao định giá được? Với mức công bố thông tin như quy định hiện tại đặc biệt với trái phiếu riêng lẻ khi chưa có xếp hạng tín nhiệm thì không có cửa cho nhà đầu tư định giá. Việc công bố thông tin phải minh bạch lên để đảm bảo nhà đầu tư tiếp cận được định giá được", ông Quỳnh thẳng thắn chia sẻ.

Cũng theo ông Quỳnh, xây dựng đường cong lãi suất trái phiếu vô cùng khó. Muốn xây được thì trước hết phải có đường cong lãi suất Chính phủ, xếp hạng tín nhiệm Chính phủ sau đó kết nối các tiêu chí này với xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thành một hệ thống thống nhất trong đó đường cong lãi suất Chính phủ là cao nhất, chuẩn mực. Nếu hệ thống này được sử dụng phát huy hiệu quả thì sẽ dẫn được nguồn vốn, tạo cuộc chơi công bằng minh bạch giữa tất cả các thành viên tham gia thị trường.

Thứ hai là chất lượng hàng hóa - chất lượng doanh nghiệp phát hành. Cũng như các kênh dẫn vốn khác, nếu tổ chức phát hành không chất lượng thì tất cả game bị đổ hết nên vấn đề hiện tại là làm sao nâng được chất lượng, từ đó thu hút được tổ chức phát hành có chất lượng tham gia.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu bao gồm doanh nghiệp huy động vốn và nhà đầu tư. Xét theo khẩu vị rủi ro, chúng ta có những doanh nghiệp huy động vốn mức độ rủi ro cao như startup, khởi nghiệp. Những doanh nghiệp này mới phát triển nên không thể đòi hỏi họ có mức xếp hạng tín nhiệm cao nhưng họ cũng có quyền huy động vốn bởi nếu không có doanh nghiệp khởi nghiệp thì sau này sẽ không thể có doanh nghiệp lớn.

"Cần thiết kế kênh dẫn vốn phù hợp, ví dụ đi với doanh nghiệp start up thì có quỹ mạo hiểm, còn doanh nghiệp rủi ro thấp thì nhà đầu tư khẩu vị an toàn hơn", ông Quỳnh nhấn mạnh.

Nói thêm về tình hình hấp thụ vốn hiện nay, Tổng thư ký VBMA cho rằng phải làm sao tạo môi trường để nâng cao năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng như tổ chức nhà nước, thúc đẩy giải ngân nhanh.

Lãi suất ON của VND đã xuống đến mức 0,2%/năm, lợi tức TPCP kỳ hạn 10 năm giao dịch dưới 3%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã nới hết cỡ chính sách, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cho vay nhưng ngân hàng không cho vay ra được vì các doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí an toàn tối thiểu theo chuẩn mực thông thường của thị trường. Đầu tư công hết 6 tháng chưa hoàn thành được 30% kế hoạch năm.

Vốn không thiếu, chúng ta chỉ đang thiếu và yếu năng lực sử dụng vốn hiệu quả ở cả đầu tư công và đầu tư tư nhân? Vậy làm sao nâng cao được năng lực này ở cả nhà nước và tư nhân? Chỉ các giải pháp từ chính sách tài khoá và tiền tệ sẽ không bao giờ là đủ. Chúng ta cần các giải pháp đồng bộ từ các bộ ngành khác.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khách quan, bất khả kháng sau đại dịch kéo dài làm suy yếu bảng tổng kết tài sản thì Nhà nước có nên xem xét cho ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu, chất lượng hoạt động tốt trước dịch để các ngân hàng thương mại yên tâm hơn khi cho vay.

"Ngoài trông chờ vào chính sách hỗ trợ bên ngoài là ngoại lực, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao tự nội lực, đặc biệt là nâng cao tính minh bạch, nâng cao năng lực quản trị, năng lực R&D để thực sự tạo được lợi thế cạnh tranh thực chất thay vì chỉ chủ yếu phát triển dựa vào qui mô vốn đầu tư", ông Quỳnh nhấn mạnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate