June 15, 2021 | 19:02 GMT+7

TP.HCM: 18.000 tỷ đồng mở rộng 4 tuyến quốc lộ cửa ngõ thành phố

Xuân Nghi -

Bốn tuyến quốc lộ cửa ngõ vào TP.HCM là quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22 và quốc lộ 50 dự kiến được đầu tư nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí khoảng 18.000 tỷ đồng...

Tình trạng kẹt xe thường xuyên ở các tuyến cửa ngõ TP.HCM
Tình trạng kẹt xe thường xuyên ở các tuyến cửa ngõ TP.HCM

Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030, vừa được UBND Thành phố ban hành. Trong đó, 4 tuyến quốc lộ nói trên dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021.

Quốc lộ 50 đoạn qua TP.HCM
Quốc lộ 50 đoạn qua TP.HCM

Quốc lộ 50 là tuyến trục giao thông đối ngoại quan trọng của TP.HCM về phía Nam, kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang. Đoạn đi qua địa phận Thành phố thuộc huyện Bình Chánh đồng thời là đường dẫn vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, vì thế mật độ giao thông rất lớn. 

Tuyến đường hiện hữu đang khai thác có mặt đường hẹp, gồm chỉ 2 làn xe hỗn hợp với các phương tiện giao thông như xe tải, xe chở rác, container, xe gắn máy, xe thô sơ, vì vậy thường xuyên ùn ứ, nhất là tại giao lộ quốc lộ 50 – đại lộ Nguyễn Văn Linh. Tình hình an toàn giao thông đang là một vấn đề xã hội, do thường xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông có dẫn đến thương vong…

Dự án mở rộng quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh, có tổng nguồn vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Công trình dài gần 7km, mở rộng lên 34m, chia làm hai đoạn: Đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với quốc lộ 50; đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu. Trên toàn tuyến sẽ xây hai cầu là cầu Bà Lớn và cầu Ông Thìn đồng bộ. Trong tổng mức đầu tư, nguồn vốn Trung ương dự kiến hơn 687 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách TP.HCM. Hồi tuần đầu tháng 6 vừa qua, Sở Giao thông vận tải Thành phố đã có báo cáo gửi Hội đồng nhân dân Thành phố đề xuất đầu tư công trình này, dự kiến thực hiện trong năm 2021 và hoàn thành trong năm 2023.

Dự án quốc lộ 50 này cũng nhằm tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành các tuyến trục chính, tuyến vành đai của thành phố, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng.

Dự án Quốc lộ 1 mở rộng đoạn từ nút giao Tân Kiên - nút giao Bình Thuận
Dự án Quốc lộ 1 mở rộng đoạn từ nút giao Tân Kiên - nút giao Bình Thuận

Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ đoạn nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận (huyện Bình Chánh), dài 2,5 km, mở rộng lên 120 m. Dự án sẽ xây dựng 10 làn xe, làm vỉa hè hai bên và để lại một phần đất dự trữ. Dự án có tổng mức đầu tư 3.353 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đây là dự án này cần thiết và cấp bách trong bối cảnh quốc lộ 1 đoạn qua Bình Chánh nhỏ hẹp, là cửa ngõ của Thành phố nối với các tỉnh về phía Tây, Tây Nam trong khi các phương tiện giao thông như ôtô, xe máy đang phải chạy hỗn hợp, chưa thể lắp dải phân cách. Đây cũng là đoạn tuyến huyết mạch ở cửa ngõ với mật độ, lưu lượng xe cao, đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc, nhất là các dịp nghỉ lễ, tết…

Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước

Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (TP. Thủ Đức), dài hơn 4,5 km, được mở rộng lên 53 - 60 m, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Trước đây, công trình trước này nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2, hình thành từ 20 năm trước; song do một số vướng mắc, nên đến nay chưa triển khai. Năm 2017, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Vì vậy, dự án mở rộng quốc lộ 13 từng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT, BT phải chuyển sang sử dụng ngân sách.

Tuyến quốc lộ 13 là cửa ngõ của TP.HCM kết nối về phía Đông Bắc với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Vì vậy ngoài đoạn 4,5 km nói trên, quốc lộ 13 còn dự án nâng cấp, mở rộng từ ngã tư Bình Phước đến ranh giới tỉnh Bình Dương, dài khoảng 1km, mở rộng lên 53 m, có vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng. Cả hai đoạn khi hoàn thành góp phần giảm ùn tắc, phát triển đô thị khu vực phía Đông của Thành phố; đồng thời giúp kết nối các tuyến vành đai 2, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới.

Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 22
Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 22

Quốc lộ 22 là cửa ngõ phía Tây Bắc, kết nối TP.HCM (qua Củ Chi) đi tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài, đi Campuchia. Tuyến đường có mật độ xe rất cao, gây ùn tắc thường xuyên giờ cao điểm. 

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 đoạn từ nút giao ngã tư An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, dài 5,4 km sẽ được xây dựng mở rộng từ 4 - 8 làn xe. Trên tuyến xây hai cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ và nút giao Nguyễn Văn Bứa. Dự án có tổng vốn 935 tỷ đồng, được đề xuất ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025.

Từ nhiều năm qua, giao thông tại các khu vực cửa ngõ TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải; riêng hướng đi các tỉnh miền Tây Nam bộ luôn bị kẹt xe, ùn ứ nghiêm trọng. Danh mục dự án đầu tư cải tạo hệ thống giao thông ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này không ít nhưng số dự án được triển khai trên thực tế không nhiều, nguyên nhân chủ yếu vì thiếu kinh phí.

Trước tình hình đó, Sở GTVT Thành phố đã kiến nghị UBND Thành phố giao Sở chủ trì tổ chức lập điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã duyệt dự án, đang triển khai thực hiện cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư do tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Với kế hoạch vừa được Thành phố ban hành, các dự án ưu tiên sẽ được triển khai trong năm 2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate