Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về Chương trình phát triển Nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 diễn ra tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết chương trình phát triển nhà ở là nội dung TP.HCM thực hiện xuyên suốt, liên tục, có tính kế thừa. Qua khảo sát, rà soát trên địa bàn thành phố, Sở ghi nhận có khoảng 600.000 phòng trọ với 60.000 chủ nhà trọ. Trong đó, có 40% nhà trọ ở trong các khu dân cư, nhà ở chia phòng cho thuê.
Với 600.000 phòng trọ này, đã giải quyết khoảng 1,8 triệu người thuê là công nhân, người lao động. Trong đó, có khoảng 900.000 công nhân thuê nhà trọ ở gần các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho thấy có trên 90% nhà trọ đạt tiêu chuẩn 5m2/người và đảm bảo về các điều kiện sống. Tuy nhiên, có đến 30% nhà trọ chưa đảm bảo về phòng cháy chữa cháy và lối thoát hiểm, thoát nạn.
Sở cũng đã tham mưu cho UBND TP.HCM về chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ cải tạo, nâng cấp phòng trọ.
Ngoài ra, về vấn đề tranh chấp giữa ban quản trị và ban quản lý chung cư, ông Trần Hoàng Quân cũng thừa nhận đây là vấn đề "nóng" trên địa bàn của thành phố, giữa cư dân với ban quản trị, giữa cư dân với chủ đầu tư khi có tranh chấp về hợp đồng; điều kiện sống; chi phí vận hành, bảo trì 2%... Việc này đã dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của các cư dân trong các chung cư. Hiện có 16 chung cư thường xảy ra "điểm nóng" hay có khiếu nại khiếu kiện giữa cư dân và chủ đầu tư, ban quản trị.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 6/2022, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành Kế hoạch phối hợp cùng với các quận, huyện, TP. Thủ Đức tổ chức kiểm tra để rà soát tính pháp lý các dự án cũng như việc thực hiện giao kết giữa ban quản trị, ban quản lý, chủ đầu tư.
Theo đó, đến ngày 30/7/2022, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM kế hoạch trên, trong đó, có tham mưu biện pháp chế tài xử lý trường hợp cố tình vi phạm. Từ đó, giải quyết căn cơ khiếu nại khiếu kiện cũng như các "điểm nóng" liên quan đến chung cư trên địa bàn.
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về thẩm định thiết kế xây dựng công trình nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, đối với công trình có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng thuộc trường hợp thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở:
Trường hợp 1 (kể từ ngày hướng dẫn này được ban hành đến 31/12/2020), Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại Nghị định số 113/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 quy định chi tiết điểm đ khoản 3 Điều 3 Luật Xây dựng và được miễn giấy phép xây dựng.
Trường hợp 2 (kể từ ngày 1/1/2021), Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại Điều 82, 83, 83a Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Đối với công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng thuộc trường hợp chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, hộ gia đình, cá nhân (là người quyết định đầu tư) có trách nhiệm thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực (theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020) để thực hiện thiết kế, thẩm tra và thẩm định thiết kế bản vẽ thi công trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng với các nội dung sau:
Sự phù hợp của thiết kế bản vẽ thi công so với thông tin quy hoạch kiến trúc đã được cơ quan nhà nước quản lý về quy hoạch cung cấp (UBND quận huyện hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc); Sự hợp lý của các giải pháp thiết kế xây dựng công trình;
Sự tuân thủ các tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình. Đánh giá sự phù hợp các giải pháp thiết kế công trình với công năng sử dụng của công trình, mức độ an toàn công trình và bảo đảm an toàn của công trình lân cận;
Sự tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ. Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng.