March 23, 2023 | 17:12 GMT+7

TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2023

Hồng Vinh -

Chương trình Bình ổn thị trường 2023 - Tết Giáp Thìn 2024 nhằm chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng ứng phó tình huống cấp bách thiên tai, dịch bệnh…

Người dân tham quan mua sắm tại Co.opXtra Linh Trung TP.Thủ Đức (Ảnh minh họa).
Người dân tham quan mua sắm tại Co.opXtra Linh Trung TP.Thủ Đức (Ảnh minh họa).

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP.HCM nhằm chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiêt yếu; sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Thời gian thực hiện chương trình là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 31/3/2024.

Tham gia Chương trình có 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: lương thực (gạo, lương thực chế biến khô, bột...); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa.

Đồng thời, các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23% đến 31%; các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, còn có 5 nhóm hàng phục vụ học tập năm 2023 - 2024 gồm: tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày dép học sinh; dụng cụ học tập. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố năm học 2023 – 2024.

Chương trình Bình ổn này gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, gắn kết và khai thác tối đa tiềm năng các nguồn lực xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quôc tế của thành phố.

Các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 sẽ đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM. Đối tượng và điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia Chương trình; nguồn vốn thực hiện chương trình; giá bình ổn thị trường; vận chuyển hàng bình ổn thị trường; phân phối hàng bình ổn thị trường được thực hiện theo Quyết định số 4556/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của UBND TP.HCM.

Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chú trọng phát triên điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân,…

Ngoài Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024, UBND TP.HCM cũng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động theo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Theo đó, Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành Thành phô đến thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố; (2) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; (3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm; (4) Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm; (5) Hoàn thiện cơ quan quản lý An toàn thực phẩm một đầu mối trên địa bàn Thành phố; (6) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố.

Trong đó, đáng chú ý là củng cố và phát triển các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

Trước đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã lấy ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM; các sở, ban, ngành thành phố; UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện; các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố có liên quan và nhận được sự thống nhất cao với dự thảo kế hoạch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate