Đó là khẳng định của người đứng đầu ngành công thương TP.HCM, giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ, tại buổi họp báo chiều 07/7/2021 trước tâm lý lo lắng của người dân khi chính quyền Thành phố thông báo quyết định áp dụng giãn cách xã hội (lần thứ 4 liên tiếp trong đợt dịch này) theo Chỉ thị 16 vào trưa cùng ngày, và sẽ bắt đầu áp dụng vào 0h ngày 09/7/2021.
CÁC CHỢ ĐẦU MỐI ĐỀU ĐÓNG CỬA VÌ COVID-19
TP.HCM có ba chợ đầu mối lớn (nông sản và thực phẩm) có chức năng tiếp nhận và phân phối hàng hóa cho toàn Thành phố và các tỉnh, thì cả ba đều đã tạm đóng cửa để phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động ngày 28/6, chợ đầu mối Bình Điền ngày 6/7 và chợ đầu mối Thủ Đức ngày 8/7.
Trước tình hình này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, Thành phố không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch. Theo người đứng đầu ngành công thương Thành phố, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các hoạt động tập trung đông người có nguy cơ lây lan rất lớn, vì vậy Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM (HCDC), Sở Công Thương Thành phố cùng các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tiến hành điều chỉnh hoạt động của ba chợ đầu mối thành các giao dịch trực tuyến, giảm thiểu tối đa tiếp xúc trực tiếp ở các chành, vựa… “Các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức dừng hoạt động không có nghĩa là tiểu thương dừng mua bán. Còn các chợ truyền thống đóng cửa do có nhiều ca dương tính và không đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch. Hiện Thành phố có 110 chợ hoạt động, kèm theo 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi với 28.700 điểm bán”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Về việc quá tải ở nhiều siêu thị trong Thành phố, ông Vũ cho biết, do 127/234 chợ truyền thống đã tạm đóng cửa vì có các ca F0 (gồm cả ba chợ đầu mối), nên bà con đã đổ xô vào siêu thị, cửa hàng mua sắm, gây nên tình trạng thiếu hụt cục bộ trong một số thời điểm. Ông cũng khẳng định, Thành phố không để thiếu hụt hàng hóa trong bất kỳ tình huống nào. Đối với lượng hàng cung ứng, các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng, trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000 - 6.000 tấn/ngày. Thành phố mong người dân không nên quá lo lắng; việc thiếu hàng ở các kệ, sạp trong các siêu thị chỉ là các loại hàng bán theo thời điểm trong ngày.
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là ba chợ đầu mối chuyên về nông sản và thực phẩm lớn nhất TP.HCM. Theo Sở Công Thương TP.HCM, mỗi đêm, tổng lượng hàng về ba chợ này khoảng 6.000 - 8.000 tấn, có thời điểm tăng đột biến lên 9.000 tấn. Trong đó, chợ đầu mối Hóc Môn là chợ thịt heo lớn nhất ở TP.HCM, cung ứng ½ lượng thịt cho thành phố. Trung bình mỗi đêm, chợ phân phối cho khoảng 4.000 - 5.000 con heo.
TĂNG THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CHUỖI BÁN LẺ, SIÊU THỊ
Đại diện các đơn vị cung ứng hàng hóa cũng khẳng định, sẽ tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ cung cấp trong vòng 1 - 3 tháng, đa dạng hình thức bán hàng qua mạng, qua điện thoại, các ứng dụng,... Các siêu thị cũng đã tăng thời gian mở cửa hoạt động đến 23h mỗi ngày.
Các hệ thống siêu thị, như Saigon Co.op, Mega Market (MM), SATRA... cùng khẳng định, nguồn hàng hóa lương thực thực phẩm cho thị trường Thành phố không thiếu, doanh nghiệp đang sắp xếp cho phù hợp với bối cảnh mới. “Chính tâm lý cục bộ những ngày qua khiến người dân Thành phố đổ xô đi mua hàng quá nhiều vào một thời điểm dẫn đến một số kệ bị thiếu hàng cục bộ”, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Saigon Co.op cho hay. Ông Đức cũng khẳng định rằng, hệ thống Saigon Co.op có 12 nhóm hàng với tổng lưu trữ lên đến 12.000 tấn và đang thực hiện bình ổn giá. Trong thời gian dịch bệnh sẽ có sự hỗ trợ để bảo đảm những mặt hàng này có giá thấp hơn hoặc bằng so với các chợ truyền thống.
Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cũng xác nhận tương tự khi cho rằng, lượng cung cấp của hệ thống cửa hàng SATRA từ 6h chiều ngày 6/7 đến nay đã tăng gấp 5 lần. SATRA đang tăng cường nhân viên đến các cửa hàng để kịp thời cung cấp hàng hóa đến các siêu thị, cửa hàng.
Trong khi đó, hệ thống cung ứng MM (trước đây là chuỗi đại siêu thị Metro) cũng khẳng định, chuỗi bốn cửa hàng nằm trên địa bàn TP.HCM vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn hàng. Hiện nay MM Mega Market có 3 nguồn hàng ở Đà Lạt, Đồng Nai, Cần Thơ và đã nâng sản lượng lên 2 - 3 lần, từ 30.000 tấn lên 60.000 tấn, một số lên 90.000 tấn.
Sở Công Thương TP.HCM đã công bố địa chỉ, số điện thoại của 2.833 điểm bán hàng thiết yếu trong toàn Thành phố. Thông qua danh sách này, người dân dễ dàng tìm mua hoặc đặt hàng online. Cụ thể: Quận 1 có 135 điểm, quận 3 có 74 điểm, quận 4 có 58 điểm, quận 5 có 69 điểm, quận 6 có 74 điểm, quận 7 có 168 điểm, quận 8 có 112 điểm, quận 10 có 86 điểm, quận 11 có 52 điểm, quận 12 có 165 điểm, quận Tân Bình có 194 điểm, quận Bình Thạnh có 224 điểm, quận Gò Vấp có 183 điểm, quận Phú Nhuận có 78 điểm, quận Tân Bình có 177 điểm, quận Tân Phú có 149 điểm, huyện Bình Chánh 114 điểm, huyện Cần Giờ 10 điểm, Củ Chi 75 điểm, Hóc Môn 88 điểm, Nhà Bè 60 điểm và TP Thủ Đức 488 điểm.
Ngoài ra, Sở Công Thương cho biết thêm, 4 tỉnh giáp ranh thành phố (Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương) đã thành lập các chốt kiểm soát, yêu cầu tài xế trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 3 hoặc 5 ngày mỗi khi đi qua. “Chúng tôi đang bàn bạc và thống nhất với các đơn vị liên quan về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tài xế vận chuyển hàng hóa”, vị đại diện Sở cho hay.