December 22, 2021 | 06:00 GMT+7

TP.HCM: Các trường không rập khuôn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục

Thanh Xuân -

An toàn tới đâu thì nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp đến đó. Vì vậy, các cơ sở giáo dục không nên rập khuôn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục mà phải căn cứ theo cấp độ dịch của từng khu vực...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau một tuần (từ ngày 13 – 20/12) thí điểm dạy học trực tiếp cho 2 khối lớp cuối cấp bậc THCS và THPT, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM Dương Trí Dũng đánh giá đa số trường học đã tổ chức rất hiệu quả, đảm bảo công tác phòng chống dịch, an toàn cho học sinh và giáo viên.

Ông Dương Trí Dũng cho hay, giáo viên phải thực hiện hoạt động dạy học trực tiếp trong tâm thế sẵn sàng chuyển đổi trạng thái theo diễn biến dịch và tham gia công tác phòng chống dịch tại trường, cùng lúc duy trì kênh hỗ trợ học sinh chưa đến trường được. Vì thế, công việc của giáo viên khá nặng nề nên cần có sự thấu hiểu của lãnh đạo nhà trường.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cũng lưu ý nhà trường phải đảm bảo công tác giảng dạy trong trạng thái thích ứng, linh hoạt nhưng không gây áp lực cho giáo viên và phải tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Bên cạnh đó, theo ông Dương Trí Dũng, nhà trường phải thường xuyên làm công tác tư tưởng, đảm bảo tâm lý ổn định cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp khi trong lớp xuất hiện ca nhiễm.

Về công tác tổ chức cho học sinh học trực tiếp trong thời gian tới, ông Dũng nhấn mạnh, các trường phải chủ động trong phòng chống dịch. Trong đó, nhà trường chủ động ứng phó mọi tình huống như theo dõi, phát hiện ca nhiễm, nghi nhiễm, phối hợp với lực lượng y tế địa phương thực hiện các bước xử lý trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận tại lớp theo đúng quy định, hướng dẫn của ngành y tế.

Trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, ông Dũng cần tuân thủ nguyên tắc an toàn tới đâu thì nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp đến đó. Vì vậy, theo ông Dũng, các cơ sở giáo dục không nên rập khuôn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục mà phải căn cứ theo cấp độ dịch của từng quận, huyện, điều kiện thực tế, đồng thời sáng tạo, chủ động sắp xếp thời khóa biểu phù hợp…

Được biết, theo hướng dẫn của thành phố thì khi mở cửa trở lại, trường ở địa bàn cấp độ 1 chỉ triển khai dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết học trực tiếp) của kế hoạch giáo dục nhà trường, các trường sẽ thực hiện trên Internet. Riêng đối với học sinh ba khối 6, 9 và 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.

Đối với trường ở địa bàn cấp độ 2, dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế của dạy học qua Internet.

Đối với trường ở địa bàn cấp độ 3, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần. Riêng đối với học sinh ba khối 6, 9 và 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Các trường THCS, THPT ở vùng dịch cấp độ 3 sẽ không tổ chức các chương trình nhà trường và dạy học 2 buổi/ngày.

Đối với trường ở địa bàn cấp độ 4, các trường thực hiện tất cả hoạt động dạy học theo chương trình chính khóa trên môi trường Internet, không tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh.

Theo kế hoạch, các trường THCS và THPT sẽ thực hiện thí điểm từ ngày 13-25/12. Sau thời gian này, Sở Y tế, Sở Giáo dục & Đào tạo cùng các trường tổng kết rút kinh nghiệm và tham mưu UBND TP.HCM để quyết định việc mở rộng đối tượng học trực tiếp hay tổ chức cho toàn bộ học sinh đến trường từ ngày 3/1/2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate