Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tư pháp Thành phố chịu trách nhiệm soạn công văn từ chối nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco vì không có cơ sở xem xét đề xuất tiếp tục thực hiện.
DỰ ÁN TỪNG 10 NĂM “LỠ NHỊP”
Song song với việc chấm dứt chủ trương dự án đối với chủ đầu tư Bitexco, dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn dự kiến nằm trong khu phức hợp này và đổi lại, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn hiện hữu (nằm đối diện chợ Bến Thành, góc đường Lê Lợi – Huỳnh Thúc Kháng) sẽ được hoán đổi cho Tập đoàn Bitexco xây dựng tổ hợp cao ốc văn phòng thương mại, khách sạn năm sao cũng tạm dừng.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh được giới hạn bởi bốn tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh (phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1), người dân quen gọi là khu Mả Lạng có tổng diện tích 68.500 m2.
Khu vực này, từ trước tháng 4/1975 vốn là khu nghĩa địa, người dân xây nhà sống xen kẽ bên trong, nên có tên gọi Mả Lạng (những ngôi mồ bị san bằng, chỗ còn chỗ mất). Sau này, mồ mả được người dân di dời dần nhưng nơi đây lại rộ lên tệ nạn ma túy và cũng là chỗ trú chân của giới giang hồ, người nghèo khổ, nên cũng được gọi là chỗ “đất dữ”.
Nhằm thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị lớn nhất, quy mô nhất của thành phố, từ năm 2007, Chính quyền TP.HCM đã giao cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư để biến khu vực này thành một khu phức hợp hiện đại.
Theo kế hoạch, tổng diện tích đất bị thu hồi của dự án là hơn 68.500 m2. Có 1.424 căn nhà sẽ phải giải tỏa hoàn toàn; trong đó có 1.391 căn của cá nhân và 33 căn của 22 tổ chức. Tổng nhân khẩu sinh sống khu vực này khoảng 10.000 người. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ là khu đô thị đa chức năng gồm căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và khu vực tái định cư dành cho khoảng 900 hộ dân.
Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới được bố trí trên khu đất có diện tích 10.000 m2 tại giao lộ Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh với tổng diện tích sàn 26.000 m2, quy mô 300 giường bệnh.
Dự kiến đến cuối năm 2017, Thành phố sẽ công bố mức giá đền bù cụ thể, và đến tháng 9/2018 hoàn thành công tác thu hồi đất, chuẩn bị triển khai dự án. Tuy nhiên, dự án gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắt trên thực tế triển khai, nhất là công tác giải toả, thu hồi, tái định cư.
Người dân yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư thông báo cụ thể kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ với mức giá ra sao? Bên cạnh đó, thông tin cụ thể về việc tái định cư, khi nào, ở đâu, có phải là tất cả hộ dân đều được tái định cư hay chỉ là một số ít mà thôi? Nhiều đại diện cư dân đề nghị thiết lập đường dây nóng để lãnh đạo quận trực tiếp tiếp nhận, hỗ trợ và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thu hồi đất.
Tháng 02/2017, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại quy trình, thủ tục đầu tư để hướng dẫn Tập đoàn Bitexco triển khai dự án được thuận lợi, nhanh chóng và đúng quy định hiện hành. Ông Phong cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với Uỷ ban nhân dân Quận 1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh.
LẠI “LỠ HẸN” THÊM 6 NĂM VÀ CHẤM DỨT DỰ ÁN
Tại cuộc họp mới đây của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân TP.HCM, Ban Cán sự đã thống nhất giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ Thành phố cùng các đơn vị liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân TP.HCM trả lời cho nhà đầu tư là Tập đoàn Bitexco.
Theo đó, không có cơ sở xem xét đề nghị tiếp tục thực hiện dự án khu Mả Lạng của nhà đầu tư theo quy định xử lý chuyển tiếp của Luật Đầu tư năm 2020 và triển khai dự án Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới. Đồng thời, các cơ quan tham mưu dự thảo công văn của Uỷ ban nhân dân TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ về những nội dung trên.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Uỷ ban nhân TP.HCM lập tổ công tác rà soát thực hiện dự án khu Mả Lạng và dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học. Nhiệm vụ của tổ công tác này là phải khẩn trương làm việc, đề xuất cho chính quyền Thành phố phương thức thực hiện dự án khu Mả Lạng trong quý II/2023, bảo đảm khả thi, đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Theo tính toán, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng được tính toán vào năm 2009 lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng. Đến nay, sau gần 16 năm không thực hiện, số tiền đền bù vào thời điểm này tuy chưa được tính toán cụ thể nhưng sẽ là rất lớn.
Do rất khó thu hồi đất, đặc biệt là khu vực trung tâm Sài Gòn, là chưa kể, việc áp giá đền bù sẽ gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn giữa giá quy định và giá thị trường thực tại TP.HCM. Từ giữa năm 2022, Chính quyền TP.HCM đã giao các đơn vị chức năng nghiên cứu các cơ sở pháp lý và tham mưu chấm dứt dự án.