Ngày 15/7, UBND TP.HCM vừa có Công văn khẩn số 2348/UBND-TH gửi UBND các quận - huyện, thành phố Thủ Đức về việc chấn chỉnh hoạt động của Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm và tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các khu phong tỏa.
QUÁN TRIỆT PHƯƠNG CHÂM "RÕ-CHẮC-NGHIÊM-NHANH" TRONG XÉT NGHIỆM COVID-19
Theo đánh giá của UBND TP HCM, công tác phối hợp, chỉ đạo trong lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số nơi có lúc còn chưa nghiêm túc, đồng bộ, chặt chẽ và còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Việc kiểm soát, quản lý các khu phong tỏa còn chưa nghiêm, vẫn xuất hiện người dân trong khu phong tỏa đi lại, giao lưu, không đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Để nâng cao hiệu quả xét nghiệm và tăng kiểm soát khu phong tỏa, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo UBND các quận - huyện, thành phố Thủ Đức khẩn trương tổ chức vận hành hiệu quả Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm (gọi tắt là Tổ công tác) với phương châm “Rõ - Chắc - Nghiêm - Nhanh".
Trong đó, "Rõ" là xác định trách nhiệm rõ ràng, mọi hoạt động của Tổ công tác do Tổ trưởng điều hành, chỉ đạo, có thẩm quyền phân công nhiệm vụ cho các Đội, Tổ hỗ trợ, tăng cường do Thành phố cử xuống địa phương để hỗ trợ công tác lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm, trả kết quả.
"Chắc" là thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, chắc chắn theo các nguyên tắc, hướng dẫn của ngành y tế và Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu vực nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao, khu vực phong tỏa nhằm đảm bảo xác định kịp thời và tách F0 ra khỏi cộng đồng để thực hiện điều trị theo quy định.
"Nghiêm" là thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, đúng quy định về giãn cách xã hội của Chỉ thị số, giữ khoảng cách an toàn, kiểm soát có trật tự, nề nếp tại các khu vực lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm; không để xảy ra tình trạng mất trật tự, gây phản ánh, bức xúc xã hội.
"Nhanh" là thực hiện trả kết quả xét nghiệm nhanh tối đa trong vòng 12 giờ đối với mẫu đơn và tối đa trong vòng 24 giờ đối với mẫu gộp; không để tình trạng tồn mẫu xét nghiệm, chậm trả kết quả dẫn đến tình trạng chậm tách F0 ra khỏi cộng động và đưa đi điều trị theo quy định. Yêu cầu các địa phương bố trí nơi cách ly tạm thời cho F0 trong thời gian chờ di chuyển đến khu điều trị tập trung theo quy định.
Đồng thời, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các địa phương bố trí nơi cách ly tạm thời cho F0 trong thời gian chờ di chuyển đến khu cách ly tập trung. Quận, huyện, thành phố được giao triển khai phương án lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người dân khi có triệu chứng SARS-CoV-2.
Đối với các khu phong tỏa, UBND TP.HCM yêu cầu địa phương tăng tuyên truyền, vận động người dân trong khu phong tỏa, ủng hộ và thực hiện nghiêm yêu cầu về giãn cách và các quy định khác về phòng, chống dịch; thường xuyên chỉ đạo và phát huy Tổ Covid-19 cộng đồng trong khu vực phong tỏa, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu người dân phải ở nhà, hộ gia đình cách ly với hộ gia đình; không để tình trạng người dân trong khu phong tỏa tập trung, vi phạm quy định về giãn cách, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa; nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu phong tỏa để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC THỰC HIỆN NHẰM KHỐNG CHẾ DỊCH BỆNH COVID-19
Được biết, từ 0h ngày 9/7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Trong thời gian này, UBND TP.HCM yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về, bán vé số dạo cũng phải tạm ngưng.
Tuy nhiên, trước tình hình ca bệnh không ngừng gia tăng, TP.HCM vừa thực hiện phòng chống dịch, vừa từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như nhanh chóng thành lập các bệnh viện dã chiến, phân tầng để chữa trị; thực hiện cách ly F1 tại nhà, thí điểm cách ly F0 với các nhân viên, người bệnh không triệu chứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, tổ chức cho doanh nghiệp sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ); tiếp tục tổ chức kế hoạch tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người dân và các đối tượng ưu tiên; đảm bảo phân luồng xe hàng để không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho TP.HCM trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16...
Với quyết tâm cao của lãnh đạo Thành phố, các ban ngành trong công tác phòng chống dịch, cùng sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM hy vọng sẽ sớm khống chế được dịch Covid-19.