Tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, việc sử dụng không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm đang dần hình thành, góp phần quan trọng vào xây dựng phát triển đô thị.
THIẾU BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG
Hiện TP.HCM có 09 dự án metro, trong đó, có hàng chục ga ngầm. Cụ thể, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Tuyến metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) với 9 ga ngầm, 01 ga trên cao và một depot tại Tham Lương; giai đoạn 2 (Bến Thành – Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương – Bến xe Tây Ninh) với 9 ga (6 ga ngầm và 3 ga trên cao); giai đoạn 3 (từ Bến xe Tây Ninh đến Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi) với 22 ga.
Tuyến metro số 3a (Bến Thành – Tân Kiên). Tuyến metro 3b (Ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước) với 10 ga (8 ga ngầm và 2 ga trên cao).
Tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân – khu đô thị Hiệp Phước) với 32 nhà ga (14 ga ngầm và 18 ga trên cao); tuyến metro số 4b (Công viên Gia Định – Lăng Cha Cả) với 3 ga ngầm.
Tuyến metro số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc Mới) với 14 ga, trong đó có 08 ga ngầm. Tuyến metro số 6 (Bà Quẹo - Vòng xoay Phú Lâm) toàn bộ tuyến đi ngầm với 7 nhà ga.
Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM thành phố chưa lập được bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm đô thị; thiếu các số liệu điều tra tổng thể về địa hình, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn của đô thị; thiếu các quy định về quản lý sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm.
Đây là một trong những nội dung trong báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TP kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (năm 2017).
Do đó, việc phát triển không gian ngầm tại TP.HCM cũng đang gặp nhiều vướng mắc khi công tác quy hoạch không gian ngầm tại thành phố chỉ ở mức sơ bộ, có 04 thiếu sót.
Thứ nhất, thiếu sót về công tác dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị.
Thứ hai, quy định phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm, các chức năng sử dụng không gian để xây dựng các công trình ngầm.
Thứ ba, việc xác định các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm.
Thứ tư, không có quy định về kết nối không gian ngầm với không gian trên cao, trên mặt đất.
UBND TP.HCM cho rằng việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung thực hiện, thiếu hướng dẫn về phương pháp lập quy hoạch, nội dung quy hoạch không gian ngầm còn chung chung.
Thành phố cũng chưa có cơ quan đầu mối quản lý không gian ngầm, các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn quy hoạch còn thiếu; nguồn lực cho việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm và lập quy hoạch... còn nhiều hạn chế.
Hiện quy hoạch không gian ngầm tại TP.HCM đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM chuẩn bị nghiên cứu theo quy chế quản lý kiến trúc mới, gồm: khu trung tâm quy mô 930ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
CẦN CHIẾN LƯỢC KHAI THÁC KHÔNG GIAN NGẦM
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, những năm gần đây, Việt Nam rất chú trọng xây dựng công trình ngầm, trước hết phải kể đến các công trình giao thông ngầm: tuyến tàu điện ngầm, ga tàu điện ngầm tại Hà Nội, TP.HCM; hầm đường bộ; hầm vượt sông (TP.HCM); hầm cho người đi bộ; bãi đỗ xe ngầm, hạ ngầm các đường dây, cáp trong các cống cáp, hào, tuy-nen kỹ thuật.
Tuy nhiên, phát triển công trình ngầm ở Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết: không gian trên mặt đất và không gian ngầm được thống nhất và đồng bộ như thế nào; được phép sử dụng đất sâu vào lòng đất tối đa là bao nhiêu; các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất không có quy định về sử dụng không gian dưới đất; năng lực quản lý, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu; năng lực tài chính, công nghệ...
Do đó, ông Tiến đề xuất cần phải xây dựng chiến lược tổng thể quản lý, khai thác sử dụng không gian ngầm; hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm (xây dựng Luật Quản lý không gian ngầm; bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các luật liên quan)…
Về thực tiễn thi công các công trình ngầm, theo PGS.TS. Lê Quang Hanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần FECON, tại Việt Nam, gần như tất cả các thành phố lớn đều có vị trí tại châu thổ sông, địa chất thường là đất yếu, mực nước ngầm cao, việc xử lý nền đất trong thi công công trình ngầm đô thị có vai trò quyết định đối với sự thành công của dự án.
Ngoài ra, việc xử lý tường vây cũng gặp nhiều thách thức. Là một trong những đơn vị đang xây dựng ga Bến Thành- Metro Line 1 (TP.HCM), ông Lưu Nguyên Vũ, Công ty Bachy Soletanche Việt Nam, cho biết trong thi công tường vây gồm: tường vây sâu, có nhiều độ dày khác nhau, lồng thép phức tạp và có trọng lượng lớn, mối nối lồng thép tại hố đào có chiều dài lớn, gioăng ngăn nước được lắp đặt sâu trong lớp sét đến gần chân tường… Đây là những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quý báu cho các kỹ sư địa kỹ thuật - những người đang gặp phải các vấn đề tương tự trong quá trình thiết kế, xây dựng các công trình ngầm cũng như các dự án liên quan khác ở trung tâm các thành phố lớn trong tương lai.