February 21, 2024 | 15:06 GMT+7

TP.HCM: Đã chi gần 1.300 tỷ đồng chăm lo Tết cho 1,4 triệu lượt người dân

Thi Nguyễn -

TP.HCM đã chi gần 1.300 tỷ đồng chăm lo hơn 1,4 triệu lượt người dịp Tết Giáp Thìn 2024, tăng cả về số lượng và chất lượng so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, tính đến ngày 19/2, thành phố đã ghi nhận tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc đạt 97%...

TP.HCM chăm lo hơn 1,4 triệu lượt người dịp Tết Giáp Thìn 2024 - Ảnh minh hoạ
TP.HCM chăm lo hơn 1,4 triệu lượt người dịp Tết Giáp Thìn 2024 - Ảnh minh hoạ

Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho người dân do UBND TP.HCM  tổ chức ngày 20/2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, TP.HCM đã chăm lo cho 1.410.869 lượt người, tăng 115.833 lượt người so với Tết Quý Mão năm 2023.

CHĂM LO HƠN 1,4 TRIỆU LƯỢT NGƯỜI DỊP TẾT

Theo ông Dương Anh Đức, tổng kinh phí chăm lo Tết Giáp Thìn của thành phố là gần 1.300 tỷ đồng, tăng 5,27% so với Tết Quý Mão năm 2023 từ nguồn kinh phí ngân sách và nguồn xã hội hóa.

Trong đó, kinh phí Trung ương hơn 12,7 tỷ đồng; kinh phí thành phố là hơn 915 tỷ đồng; kinh phí quận, huyện và thành phố Thủ Đức là 39,6 tỷ đồng, kinh phí vận động là hơn 326 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, phối hợp với UBND thành phố và UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chăm lo cho 427.672 lượt người với tổng kinh phí 216,354 tỷ đồng (tăng 57,522 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Vũ Phong
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Vũ Phong

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố đã quan tâm, theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động thành phố, Bảo hiểm Xã hội thành phố để đề ra các biện pháp tăng cường giám sát việc chi trả lương, thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã cố gắng, nỗ lực chi trả lương thưởng tốt cho người lao động, mức thưởng bình quân là 12,3 triệu đồng/người, thấp hơn 1,047% so với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (12,88 triệu đồng/người).

Theo đó, mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm; phát triển phần mềm; thương mại… Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

Bên cạnh đó, gần 50% doanh nghiệp ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 như: tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe).

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tổ chức tất niên và có kế hoạch thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.

“Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ, ảnh hưởng đến việc làm và việc thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng thực hiện thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định.

HƠN 52.000 VỊ TRÍ VIỆC LÀM SAU TẾT

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương  binh và Xã hội TP.HCM, cho biết trước Tết, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp (khu vực chính thức) là hơn 2,5 triệu người. Trong đó, lao động trong làm việc tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao là 299.285 người.

Trong dịp Tết, thành phố cũng đã ghi nhận một số doanh nghiệp tổ chức cho người lao động làm việc xuyên Tết để phục vụ các đơn hàng gia công xuất khẩu cũng như nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

Cụ thể, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố ghi nhận có 13 doanh nghiệp tổ chức làm việc xuyên Tết với 1.544/6.566 lao động; một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận tải... tại các khu vực tập trung đông khách du lịch và người người dân tham quan, mua sắm.

Theo thống kê, từ mgày 15/02/2024 (mùng 6 Tết Âm lịch), tại các cơ quan, đơn vị (trừ trường học công lập) và doanh nghiệp nhà nước, hầu hết người lao động đã quay trở lại làm việc, tỉ lệ gần 99%.

Tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có đông lao động, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 65% với tỉ lệ lao động vào làm việc là 85%. Lý giải nguyên nhân, ông Minh cho biết do thời gian quay trở lại làm việc sau Tết rơi vào các ngày thứ 5, thứ 6 cuối tuần nên một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép năm, nhất là lao động ở các tỉnh xa về quê ăn Tết.

Trong ngày 19/2/2024 (mùng 10 Âm lịch), qua kết quả khảo sát tại 3.247 doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trở lại khoảng 98%, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc là 97%.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%, tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính...

Ông Minh cho rằng so với năm 2023, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết không có nhiều thay đổi. Trong đó, nguyên nhân có thể nhận thấy rõ nét là tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, người lao động mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với doanh nghiệp hơn trong năm 2024. 

Mặt khác, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực với việc một số doanh nghiệp tiếp nhận được các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 ngay thời điểm cuối năm 2023.

Về nhu cầu nhân lực sau Tết, theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, thành phố  sẽ có khoảng 52.000 chỗ làm việc, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm 70,56% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%.

Ngoài ra, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 20,77% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,23%. Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,55%. Trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,74%, trung cấp chiếm 27,77%, cao đẳng chiếm 19,61%, đại học trở lên chiếm 20,43%.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của 102 doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển 19.285 vị trí việc làm trống. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành da giày - may mặc chiếm 42,76% tổng nhu cầu tuyển dụng; lao động phổ thông chiếm 12,15%; kinh doanh - quản lý chiếm 11,27%; công nghệ thông tin chiếm 5,61%; kỹ thuật - cơ khí chiếm 5,27% và các ngành nghề khác chiếm 22,94%.

Bên cạnh đó, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trước và sau Tết Nguyên đán là 16.938 người, chủ yếu tập trung tại các ngành nghề như quản trị văn phòng chiếm 19,91% tổng nhu cầu tìm việc; lao động phổ thông chiếm 16,42%; kinh doanh - quản lý chiếm 16,08%; kế toán - kiểm toán chiếm 10,83%; công nghệ thông tin chiếm 6,41% và các ngành nghề khác chiếm 30,35%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate