Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có tờ trình Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.
Trong đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố đề xuất giai đoạn 2024-2030 ưu tiên triển khai đầu tư 88 dự án; bổ sung bố trí kế hoạch vốn năm 2024 để thực hiện chuẩn bị đầu tư 20 dự án, với 4 nút giao trọng điểm được bổ sung tại các quận 3, 10, Gò Vấp, Bình Tân và nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Oanh.
Theo tờ trình, các dự án này có tổng số vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, triển khai giai đoạn 2024-2028. Trong đó, mỗi dự án được đầu tư khoảng 400 tỷ đồng theo ngân sách của Thành phố.
Cụ thể, tại ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (quận 3, 10) và ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 5, 10) là hai nút giao lớn ở nội đô Thành phố. Hiện, mật độ xe các đường dẫn vào nút giao ngày càng lớn nên những nơi này thường xuyên ùn ứ.
Theo đó, cầu vượt được xây tại hai khu vực này sẽ gồm các nhánh băng qua nút giao, giúp giảm giao cắt như hiện nay. Hướng đi của các nhánh cầu sẽ được tính toán phù hợp khi bước vào giai đoạn nghiên cứu cụ thể các dự án.
Bên cạnh đó, cùng với hai giao lộ trên, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất sớm xây cầu vượt giảm kẹt ở nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Cầu dự kiến dài 500 m, rộng 2-4 làn, cho xe hai chiều theo hướng đường Nguyễn Oanh băng qua đường Phan Văn Trị.
Ngoài ra, ở ngoại thành cầu vượt cũng được dự kiến đầu tư nút giao Quốc lộ 1 - đường số 7 - 8 (quận Bình Tân) theo hai phương án cầu vượt hoặc hầm chui, dài khoảng 400 m, rộng 2-4 làn, xe chạy hai chiều theo đường 7-8.
Hiện nay, theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tại 4 nút giao đề xuất nâng cấp đầu tư đều có tình trạng giao thông đông đúc, thường xuyên ùn ứ vào những giờ cao điểm. Việc đầu tư thêm các nút giao khác mức như cầu vượt, hầm chui là cần thiết, nhằm tăng năng lực giao thông cho khu vực.
Thời gian gần đây, nhiều nút giao quan trọng khác cũng được ngành giao thông Thành phố đề xuất đầu tư trước năm 2030 như: Bốn Xã giáp quận Bình Tân, Tân Phú (tổng vốn gần 2.400 tỷ đồng); nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 50 (huyện Nhà Bè) và đường Rừng Sác (Cần Giờ).
Trước đó, để giảm ùn tắc khu vực phía Tây Bắc, trục đường Cộng Hòa - Trường Chinh kết nối vùng lõi TP.HCM, khu sân bay Tân Sơn Nhất với các quận, huyện phía Tây Bắc như quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình, huyện Hóc Môn, Củ Chi… Sở Giao thông Vận tải cũng đã có đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM ưu tiên cân đối vốn triển khai dự án nâng cấp trục đường Trường Chinh - Cộng Hòa (từ ngã tư An Sương đến sân bay Tân Sơn Nhất) qua quận 12, Tân Phú và Tân Bình.
Dự án sẽ xây đường trên cao dài 11,2 km, quy mô 4 làn xe chạy phía trên đường Trường Chinh và Cộng Hòa với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Việc xây dựng trên cao được cho là khả thi hơn so với mở rộng đường do ít phải đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư.
Tuyến đường trên cao này chủ yếu dùng mặt bằng dải phân cách giữa đường Trường Chinh, Cộng Hòa nên ước tính chi phí giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật chỉ khoảng 800 tỷ.
Dự án được dự kiến triển khai giai đoạn 2024-2030 theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách TP.HCM tham gia khoảng 50% tổng mức đầu tư - tương đương gần 6.000 tỷ.
Ngoài ra, nhằm đồng bộ khu vực, Sở giao thông Vận tải cũng đề xuất ưu tiên triển khai nhiều dự án khác như cải tạo Quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương (quận 12) đến nút giao Vành đai 3 TP.HCM (huyện Củ Chi) dài 9,1 km, quy mô mặt cắt ngang 60 m, kinh phí hơn 7.000 tỷ.