August 23, 2024 | 20:13 GMT+7

TP. HCM đủ điều kiện công bố dịch sởi

Nhật Dương -

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với số ca mắc sởi tăng cao, vượt quá trung bình số ca mắc 3 năm trước cùng kỳ, TP. HCM đủ điều kiện công bố dịch sởi, song việc công bố dịch sẽ do địa phương quyết định, và căn cứ khả năng nguồn lực đáp ứng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về tình hình dịch bệnh sởi trong nước, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm nay đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sởi.

Trong đó, TP. HCM lần đầu tiên ghi nhận hơn 500 ca mắc và 3 ca tử vong. Các ca tử vong này đều mắc sởi trên bệnh nền sẵn có, đặc biệt, trong thời điểm mùa tựu trường hiện nay thì nguy cơ lây bệnh rất cao.

Theo ông Đức, về mặt chuyên môn, hiện tại TP. HCM có đủ điều kiện để công bố dịch sởi. Tuy nhiên, việc công bố dịch là do địa phương tự quyết định dựa trên các căn cứ quy phạm pháp luật về phòng chống bệnh lây nhiễm. Đồng thời, do địa phương nhận thấy cần huy động thêm nguồn lực và tổ chức thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Ngoài ra, việc công bố dịch phải theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; căn cứ theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Quy định pháp luật nêu rõ trường hợp số mắc vượt quá số ca mắc trung bình của 3 năm trước cùng kỳ thì được công bố dịch.

Nếu dịch xảy ra từ 2 xã trở lên thì công bố dịch cấp huyện; từ 2 huyện trở lên thì công bố cấp tỉnh, và từ 2 tỉnh trở lên thì công bố dịch ở cấp quốc gia. Việc công bố dịch cũng phải theo căn cứ về các khả năng nguồn lực đáp ứng của địa phương.

Cùng với TP. HCM, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết hiện nay, các tỉnh được đánh giá có nguy cơ gia tăng lây nhiễm bệnh sởi rất cao và cao là Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau…

Những địa phương này có thể gia tăng số ca mắc đến tận tuyến huyện, và khoảng hơn 100 huyện sẽ nằm trong chiến dịch đợt 1 tiêm vaccine sởi lần này.

Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi trên thế giới cũng như tại Việt Nam theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024, với hơn 1 triệu liều vaccine do Chính phủ Australia tài trợ thông qua WHO.

Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi. Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

Để triển khai thành công chiến dịch này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương quan tâm xây dựng, ban hành kế hoạch tiêm chủng bổ sung vaccine Sởi-rubella, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng, bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Cùng với đó, cần tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chiến dịch vaccine Sởi-Rubela cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine.

Đối với các tỉnh, thành phố chưa thuộc phạm vi triển khai của Kế hoạch thì phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục rà soát các đối tượng, thực hiện đánh giá, xác định vùng nguy cơ để chuẩn bị, xây dựng kế hoạch tiêm chủng chiến dịch vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn trong trường hợp cần thiết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate