Theo Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, đơn vị này sẽ sớm có thông báo chính thức về trường hợp này. Hiện Sở Y tế thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Trước đó, ngay sau khi bệnh đậu mùa khỉ được công bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, Sở Y tế TP. HCM đã triển khai các giải pháp giám sát đậu mùa khỉ trong giai đoạn chưa ghi nhận ca bệnh.
Đối với công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM triển khai giám sát thân nhiệt và triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả những người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ.
Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin và lập phiếu điều tra dịch tễ. Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ) thì kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.
Bộ Y tế trước đó cũng nhiều lần cảnh báo nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, đặc biệt là quốc gia lân cận Việt Nam như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hồi tháng 8, Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, Bộ nêu rõ, giám sát ca bệnh tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, giám sát kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo.
Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ. Căn cứ theo kết quả kháo, khai thác dịch tễ để chuyển hành khách về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị hành khách tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày từ ngày nhập cảnh.
Người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch lưu hành cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp nghi ngờ là người có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai). Và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu; sốt (>38,5°C); nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể; mệt mỏi...