Đóng góp của thị trường bất động sản vào GRDP của TP.HCM ngày càng giảm. Đến năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 3,56% trong GRDP của thành phố.
GIÁ CĂN HỘ KHU TRUNG TÂM 200 TRIỆU ĐỒNG/M2
Từ năm 2015-2019, thị trường bất động sản tại TP.HCM sôi động, giá cả tăng cao trên tất cả các phân khúc. Từ năm 2020-2021, thị trường chững lại hoặc giảm nhẹ do dịch Covid-19 và sau đó dần hồi phục, giá cả bắt đầu tăng trở lại, tuy nhiên, diễn biến chậm chạp và phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc và khu vực.
Đây là thông tin được ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, báo cáo tại buổi làm việc mới đây giữa Đoàn giám sát số 3 của Quốc hội với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 – 2023.
Đối với chung cư, thời gian này, tăng liên tục với mức tăng trung bình 15 - 20% mỗi năm. Cụ thể, phân khúc căn hộ bình dân năm 2015 có giá chào bán ở mức 25 - 35 triệu đồng/m2, đến năm 2023, đã tăng lên 40 - 60 triệu đồng/m2. Giá căn hộ trung cấp vào năm 2015 khoảng 35 - 50 triệu đồng/m2, đến năm 2023 tăng lên 50 - 70 triệu đồng/m2. Căn hộ cao cấp giá tăng từ 50 triệu đồng/m2 lên 70 - 100 triệu đồng/m2.
Năm 2023, khu vực trung tâm giá căn hộ chung cư cao nhất, dao động từ 80 - 200 triệu đồng/m2, ở ngoại ô giá thấp hơn, dao động từ 30 - 60 triệu đồng/m2.
Ông Khiết cho biết thêm đóng góp của thị trường bất động sản vào GRDP của TP.HCM ngày càng giảm. Nếu như năm 2015, hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 4,73% trong GRDP TP.HCM, đến năm 2019 còn 4,27% GRDP của thành phố. Đến năm 2023, đóng góp trong GRDP chỉ còn 3,56%.
Hiện nay, UBND TP.HCM đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Theo đó, Tổ công tác hoạt động theo quy chế đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4414/QĐ-UBND (ngày 03/10/2023).
Bình quân giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản đạt 4,29%/năm, cao hơn 1,48 điểm phần trăm so với giai đoạn 2011 - 2015 (2,81%/năm). Đây được xem là giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tác động của đại dịch Covid-19 cùng với việc siết chặt tín dụng đã khiến tốc độ phát triển của hoạt động bất động sản giảm mạnh. Bình quân trong giai đoạn 2020 - 2023, tốc độ tăng trưởng giảm chỉ còn 2,08%/năm.
THIẾU VỐN CHO PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI
Về lĩnh vực nhà ở xã hội, ông Khiết cho biết hiện TP.HCM đang có 07 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 383.258 m2 (gồm 06 dự án nhà ở xã hội với 3.956 căn hộ; 01 dự án nhà lưu trú công nhân với 1.040 căn).
Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2025 có danh mục 68 dự án, khu đất đang triển khai và dự kiến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, có 32 dự án/khu đất từ giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang và bổ sung 36 khu đất mới.
Trong giai đoạn này, 02 dự án đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt tại Quyết định số 4151/QĐ-UBND (ngày 09/12/2021) của UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư từ nhà nước, ngân sách nhà nước nên chưa thể bố trí đầy đủ để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu của nhà nước cho các đối tượng chính sách như cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên…
Nguồn vốn từ ngân sách của TP.HCM chỉ bố trí được 10% vốn thực hiện các án nhà ở xã hội. Đến năm 2025, kế hoạch đặt ra cần 37.700 tỷ đồng, nhưng thành phố chỉ có khả năng đáp ứng bố trí từ ngân sách 3.770 tỷ đồng.
Đến năm 2030, thành phố cần số vốn 86.400 tỷ đồng, khả năng bố trí từ ngân sách 8.600 tỷ đồng. Bởi vậy, nguồn vốn rất thấp, rất khó đạt được chỉ tiêu đặt ra nếu chỉ sử dụng vốn ngân sách, rất cần các nguồn vốn xã hội.