December 06, 2021 | 14:59 GMT+7

TP. HCM hướng dẫn việc tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch

Thanh Xuân -

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vừa có hướng dẫn tạm thời việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại, hoạt động dạy học trực tiếp tại các trường học và trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn theo cấp độ dịch...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo hướng dẫn của UBND TP. HCM, trường học sẽ thí điểm mở cửa trở lại từ ngày 13/12/2021. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vừa có văn bản quy định tạm thời việc tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn theo cấp độ dịch để các trường xây dựng phương án cụ thể.

Đối với cơ sở giáo dục có cấp học THPT sẽ hoạt động theo cấp độ dịch của TP.HCM. Các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của TP. Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng.

Ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp): đơn vị tổ chức dạy học trực tiếp cần đảm bảo quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, UBND TP. HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo.

Các cơ sở giáo dục trung học (THCS, THPT) phải thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần. Thời lượng dạy học còn lại được thực hiện trên Internet.

Ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình): cơ sở giáo dục sẽ tổ chức dạy học trực tiếp, đồng thời sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong đó, với cấp mầm non tổ chức cho 100% trẻ từ 25 tháng tuổi trở lên đến trường. Không tổ chức các hoạt động ngoài nha trương như tham quan nhà sách, siêu thị, bưu điện... Kết hợp gửi các clip về hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tạo điều kiện cho phụ huynh hỗ trợ chăm sóc trẻ tại nhà.

Ở cấp học tiểu học, tổ chức cho 100% học sinh lớp 1, lớp 2 học trực tiếp với thơi lương 100%. Còn học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 thì học trực tiếp với thời lượng 50%.

Với cấp học THCS, THPT, giáo dục thường xuyên dạy trực tiếp không quá 18 tiết/tuần. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 18 tiết/tuần) thực hiện dạy học trên Internet. Riêng học sinh lớp 6, lớp 9 và lớp 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.

Trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tối đa 50% số lượng học viên tại một thời điểm, phối hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp đảm bảo chất lượng dạy và học.

Ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Trong đó, ưu tiên dạy trực tiếp lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12.

Cụ thể, cấp học mầm non với trẻ mẫu giáo từ 4 tuổi trở lên sẽ học 100% sĩ số, không tổ chức dịch vụ ăn sáng, hạn chế một số hoạt động ngoại khóa: bơi, vẽ, võ, thể dục nhịp điệu… Không tổ chức các hoạt động: lễ hội, sự kiện, tổ chức ăn với hình thức tự chọn (buffet). Nhà trường kết hợp gửi các clip về hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tạo điều kiện cho phụ huynh hỗ trợ chăm sóc trẻ tại nhà.

Cấp học tiểu học, lớp 1 và 2 học 100% sĩ số với thời lượng 50%. Lớp 3, 4, 5, tổ chức học trực tuyến.

Cấp học THCS, THPT, giáo dục thường xuyên dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần còn lại dạy học trên internet. Đối với học sinh lớp 6, lớp 9 và lớp 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Không tổ chức các chương trình nhà trường, không thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.

Trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tối đa 25% số lượng học viên tại một thời điểm, phối hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp đảm bảo chất lượng dạy và học.

Ở cấp độ 4-nguy cơ rất cao, tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate