October 12, 2024 | 18:04 GMT+7

TP.HCM kêu gọi đầu tư 84 dự án giai đoạn 2024 - 2025

Thanh Thủy -

Trong 84 dự án TP.HCM kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024 - 2025, Thành phố ưu tiên đầu tư các dự án về công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh,…trong hầu hết các lĩnh vực trên địa bàn…

TP.HCM kêu gọi đầu tư 84 dự án giai đoạn 2024 - 2025. Ảnh minh họa.
TP.HCM kêu gọi đầu tư 84 dự án giai đoạn 2024 - 2025. Ảnh minh họa.

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ban hành quyết định về danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, về lĩnh vực, dự án thu hút đầu tư, TP.HCM khuyến khích đầu tư các dự án phù hợp phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị; các dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của TP.HCM.

TẬP TRUNG VÀO CÁC DỰ ÁN ĐỔI MỚI SÁNG TẠO,  KINH TẾ XANH – SỐ

Theo quyết định được ban hành, TP.HCM ưu tiên đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và khuyến khích đầu tư theo các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp; thương mại và dịch vụ; du lịch.

Về lĩnh vực công nghiệp, TP.HCM sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường với quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao; các dự án công nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực tham gia hiệu quả và cạnh tranh trong chuỗi giá trị.

Về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, bao gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái và hữu cơ; hình thành các vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm chủ lực; đầu tư bảo vệ, khoanh nuôi rừng; bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển và nghiên cứu thành lập vùng đất ngập nước Khu Ramsar rừng ngập mặn Cần Giờ;…

Bên cạnh đó, tập trung thu hút các ngành kinh tế số, ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn; các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông; tự động hóa, cơ khí chính xác; …

“Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sản xuất có áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu mức sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và nước; giảm phát thải carbon, thay thế năng lượng từ than đá bằng các nguồn năng lượng xanh, sạch”, Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết.

Trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, TP.HCM ưu tiên phát triển du lịch xanh, mang bản sắc độc đáo, hấp dẫn và có tính liên vùng. Thành phố nhấn mạnh việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch đồng bộ, bao gồm hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, TP.HCM cũng hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch có tính liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững, phù hợp với bản sắc và tập quán địa phương.

Đối với  lĩnh vực thương mại và dịch vụ, ưu tiên phát triển các kênh bán lẻ chuyên nghiệp, số hóa chuỗi cung ứng, thương mại điện tử và các ngành công nghiệp văn hóa. Thành phố hướng tới phát triển hạ tầng dịch vụ logistics và e-logistics nhằm tối ưu hóa quy trình kinh doanh và thúc đẩy thương mại quốc tế.

84 DỰ ÁN THU HÚT ĐẦU TƯ

Trong 84 dự án TP.HCM kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024 - 2025, có 5 dự án về sản xuất lĩnh vực công nghệ cao, 17 dự án hạ tầng giao thông và 16 dự án bất động sản.

Ngoài các lĩnh vực trên, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế; 23 dự án giáo dục; 8 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao; 5 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 4 dự án trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, khách sạn….

Đáng chú ý, trong lĩnh vực bất động sản, Thành phố kêu gọi đầu tư vào 16 dự án, phần lớn trong số này là các dự án phục vụ chỉnh trang đô thị như xây mới chung cư cũ; hoặc xây dựng nhà ở xã hội.

Đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông, nổi bật trong danh mục này là dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư khoảng 128.000 tỷ đồng. Diện tích ước tính khoảng 571 ha, trong đó diện tích đất cù lao chiếm 90 ha, diện tích mặt nước 481 ha.

Ngoài ra, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với tổng vốn đầu tư 19.617 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án khoảng 51 km (đoạn qua TP.HCM khoảng 24,7 km; đoạn qua tỉnh Tây Ninh: khoảng 26,3 km). Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này khoảng 6.774 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM cũng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư lần này. Dự án có chiều dài 17,3 km, mặt cắt ngang giai đoạn 1 là 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến); đường song hành hai bên 2 làn xe (khu vực có dân cư). Tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 14.089 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch 74,5 m với chi phí ước tính 6.736 tỷ đồng.

Trong danh mục các dự án giao thông, còn có các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) với tổng vốn đầu tư 13.851 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) với vốn đầu tư 12.876 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) với 7.173 tỷ đồng vốn đầu tư.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Thành phố dự kiến thu hút đầu tư 5 dự án. Trong số này có các dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao về điện tử, vi mạch bán dẫn.

Cụ thể, dự án đầu tiên là nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch bán dẫn tại Lô I-1b-2, Đường N1 có diện tích 25.200 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến 725 tỷ đồng. Dự án thứ hai là xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị, máy móc sử dụng trong dây chuyền sản xuất vi mạch có  diện tích 10.000 m2 tại Lô I-4b-4.1, tổng vốn đầu tư dự kiến 288 tỷ đồng.

Dự án thứ ba được Thành phố kêu gọi đầu tư nằm trên diện tích 19.800 m2, tại Lô I-14.6, đường D14 với tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng. Ngoài ba dự án trên, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào Trung tâm dữ liệu lớn (Data Center) cung ứng dịch vụ cho khách hàng hyperscalers. Dự án nằm trên diện tích 30.200 m2 tại Lô T4-3, Đường D2. Tổng mức đầu tư dự kiến là 875 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate