March 11, 2023 | 21:21 GMT+7

TP.HCM kích cầu du lịch bằng lễ hội bánh mì

Mộc Minh -

Đây là lần đầu tiên Lễ hội bánh mì Việt Nam được tổ chức, với kỳ vọng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân TP.HCM và du khách về một món ăn hấp dẫn của Việt Nam…

Lễ hội tổ chức từ ngày 30/3 đến 02/4/2023 tại Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM. Du khách sẽ được thỏa sức khám phá thiên đường ẩm thực những món ngon từ bánh mì.

SẼ CÓ NGÀY BÁNH MÌ VIỆT NAM

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, những năm trở lại đây, ẩm thực Việt Nam ngày càng ghi dấu ấn rõ nét trên bản đồ thế giới với đa dạng các món ăn đặc trưng hấp dẫn không chỉ du khách trong và ngoài nước, mà còn nhận được vô số lời ngợi ca từ các chuyên gia, tạp chí uy tín nước ngoài. Bên cạnh những phở, bún chả, cơm tấm, bánh xèo, bún bò Huế... phải kể đến một món ăn nói theo cách của dân gian "nhỏ nhưng có võ" đã giành được biết bao cảm tình từ người dân cũng như du khách, là bánh mì.

Bánh mì ngọt, bánh mì mặn, bánh mì nhân thịt, pate, thậm chí bánh mì tôm hùm, bánh mì bò Kobe… hay bánh mì hến, bánh mì xíu mại cua tôm hay đơn thuần một chiếc bánh mì không... chấm sữa. Mỗi du khách nước ngoài khi tới Việt Nam cũng có thể trải nghiệm ăn bánh mì trong nhà hàng, ngay tại tiệm, ngoài công viên hay vừa đi đường vừa ăn.

Và để chính thức được ghi nhận những giá trị mà bánh mì đem lại đối với nền ẩm thực nước nhà, nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị của chiếc bánh mì Việt Nam đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế, cũng như mong muốn tạo điều kiện phát huy tối đa tay nghề, sức sáng tạo của những nghệ nhân và người thợ làm bánh mì, Lễ hội Bánh mì Lần thứ 1 năm 2023 sẽ được tổ chức.

Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM: "Lễ hội Bánh mì Lần thứ 1 năm 2023 sẽ được tổ chức nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị của chiếc bánh mì Việt Nam đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế" - Ảnh: HH.
Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM: "Lễ hội Bánh mì Lần thứ 1 năm 2023 sẽ được tổ chức nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị của chiếc bánh mì Việt Nam đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế" - Ảnh: HH.

Thông tin tại buổi họp báo Lễ hội bánh mì lần thứ nhất ở TP.HCM vào chiều 9/3/2023, bà Nguyễn Thị Khánh, cho biết lễ hội quy tụ 120 gian hàng của các đơn vị nhà hàng, tiệm bánh mì, nhà cung cấp tại TP.HCM và cả nước, nhà cung cấp người nước ngoài... Đặc biệt trong lễ hội có hội thảo chuyên đề "Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam", giới thiệu 105 món ăn kèm bánh mì do các đầu bếp nổi tiếng đảm nhận.

Ông Kao Siêu Lực, Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, cho biết đi làm giám khảo chấm điểm cuộc thi quốc tế, ai cũng hỏi bánh mì Việt Nam thì khác bánh mì baguette của Pháp như thế nào. 

“Bánh mì Việt Nam dành cho đặc thù chế độ dinh dưỡng, cách ăn của người Á nên bánh xốp, giòn, ruột thì mềm, trong khi bánh mì baguette lại cứng, giòn và dai. Tuy nhiên, quyết định đến 50% độ ngon của bánh mì Việt Nam là thịt, pate, rau thơm hay thậm chí là ớt, phải là ớt xanh, thái sợi...”, ông Lực nói.

Nói về Ngày bánh mì Việt Nam, ông Lực cho biết trên thế giới có Ngày bánh mì 16/10, và bánh mì Việt Nam cũng xứng đáng có một ngày tôn vinh như thế.

Từ “banh mi” của Việt Nam được từ điển nổi tiếng Oxford ghi danh vào ngày 24/3/2011, “chúng tôi đang muốn đây sẽ được chọn là Ngày bánh mì Việt Nam cho những năm sau", ông Lực chia sẻ kế hoạch.

 
Đặc biệt, khách tham quan sẽ được thưởng thức các thương hiệu bánh mì nổi tiếng miễn phí, với sự bảo trợ 420kg pate từ thương hiệu bánh mỳ Nguyên Sinh.

Ngoài ra, lễ hội cũng dành không gian cho chương trình khởi nghiệp từ xe bánh mì cho phụ nữ và học viên ngành bánh, tôn vinh "Top thương hiệu bánh mì lâu đời và nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam".

Trước đó, TasteAtlas - chuyên trang được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực thế giới" - đã công bố danh sách 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, trong đó bánh mì của Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách này.

Theo TasteAtlas, bánh  mì Việt Nam thuở ban đầu chỉ được kẹp với thịt và một số gia vị, không có rau. Tuy nhiên ngày nay, với khả năng biến tấu vô hạn, bánh mì Việt Nam còn được kẹp với thịt nguội, bơ Pháp, sốt mayonnaise tươi, pa tê gan, dưa chuột, rau mùi, dưa chua, dầu hào, tỏi... Bánh mì phải nhẹ, với lớp vỏ mỏng trong khi ruột bánh mềm và dai, phảng phất vị ngọt nhẹ.

PHÁT HUY TINH TUÝ ẨM THỰC ĐỂ HÚT DU KHÁCH

Phát hiện ra ẩm thực Việt Nam vô cùng hấp dẫn khi đến thăm quan, cha đẻ ngành marketing Philip Kotler đến Việt Nam năm 2007 đã nói “biến Việt Nam thành bếp ăn thế giới là con đường tốt nhất để phát triển du lịch”.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch - Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam có nền ẩm thực phong phú và độc đáo. Ẩm thực Việt cần được đưa thành thế mạnh canh tranh của Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch như cách người Thái làm và khá thành công.

Ông Long cho rằng với du khách, ăn uống không chỉ là nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu trong hành trình, mà còn phải đáp ứng về chất lượng, sự trải nghiệm hay khám phá điều mới mẻ của ẩm thực. Khai thác được giá trị ẩm thực trong du lịch sẽ giúp việc phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế ở địa phương nói chung.

Vậy khai thác du lịch ẩm thực, bao gồm bánh mì bằng cách nào?  Theo ông Long cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của ẩm thực trong mối tương quan với phát triển du lịch. Quảng bá ẩm thực với du lịch, cần đặt và lồng ghép du lịch ẩm thực Việt Nam vào trong chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate