Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM kiến nghị xây dựng Quy định về quy trình phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại.
Theo đó, từ năm 2003, TP.HCM chủ trương chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất để xây nhà ở cho người thu nhập thấp.
TP.HCM cũng đã và đang ưu tiên sử dụng các quỹ đất do nhà nước quản lý để kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội độc lập. Do đó, tại TP.HCM đã hình thành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội khá nhiều trong thời gian qua.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu phát triển 35.000 căn nhà và đã báo cáo Bộ Xây dựng danh mục các dự án, khu đất sẽ triển khai từ nay đến năm 2030.
Tuy nhiên, qua quá trình tổng hợp dự án, quỹ đất, Sở Xây dựng TP.HCM nhận thấy việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, trong đó, việc phân bổ không đồng đều quỹ đất phát triển nhà ở xã hội giữa các khu vực, thừa ở những khu vực tập trung nhiều nhà ở thương mại nhưng lại thiếu tại các khu vực vùng ven, nông thôn.
Ngoài ra, việc dành quỹ đất 20% nhà ở xã hội cũng đang bị nhiều doanh nghiệp thực hiện đối phó. Trong khi phần diện tích nhà ở thương mại được triển khai nhanh để bán, phần nhà ở xã hội thì kéo dài công tác bồi thường, chậm triển khai, dẫn đến các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội không thực hiện được.
Nhiều quỹ đất nhà ở xã hội nằm trong những dự án nhà ở cao cấp dẫn đến các chi phí quản lý vận hành tòa nhà, quản lý hạ tầng kỹ thuật, chi phí các dịch vụ thiết yếu, tiện ích đi kèm trong các dự án này sẽ rất cao, ngoài khả năng chi trả của đối tượng nhà ở xã hội. Điều này làm cho kiến trúc, cảnh quan, không gian chung của cả dự án nhà ở thương mại không đồng bộ, thiếu mỹ quan, giảm hiệu quả đầu tư.
Hiện giá bán nhà ở xã hội tại các khu vực trung tâm TP.HCM có thể được đẩy lên quá cao, không phù hợp với khả năng thanh toán của đối tượng lao động thu nhập thấp. Trong trường hợp giảm giá bán nhà ở xã hội xuống thấp cho phù hợp với thu nhập của người lao động thì doanh nghiệp cần phải cắt giảm chi phí, điều này dẫn đến việc phải cắt bớt các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tiện ích...
Ngoài ra, nhiều quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội hiện không đủ diện tích tối thiểu để xây một khối nhà độc lập theo đúng quy chuẩn xây dựng. Tình trạng nhà ở xã hội phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối hạ tầng giao thông, không thu hút được người dân về ở, gây lãng phí.
Do đó, nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội với Nhà nước. Khuyến khích doanh nghiệp đưa quỹ đất vào xây dựng và phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của TP.HCM.
Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng cần điều chỉnh các quỹ đất xây nhà ở xã hội trước đây theo hướng đồng đều và tiếp cận các vị trí thuận lợi cho giao thông công cộng, phù hợp nhu cầu từng khu vực.