Uỷ ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản số 3404/KH-UBND về kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 đến năm 2022.
Trên nguyên tắc “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”, Uỷ ban nhân dân Thành phố xác định lộ trình khôi phục hoạt động du lịch với 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Từ nay đến ngày 31/10/2021.
Thành phố sẽ mở lại hoạt động du lịch nội vùng theo tiến trình kiểm soát dịch của các địa phương (chỉ mở trên địa bàn “vùng xanh”). Ở giai đoạn 1, các hoạt động du lịch được triển khai gồm dịch vụ lữ hành; dịch vụ lưu trú; hoạt động tại các điểm tham quan.
Trong giai đoạn này, người dân sống và làm việc tại TP.HCM có thể đi du lịch theo phương thức khách đoàn hoặc tự tổ chức tới các điểm tham quan ở quận huyện kiểm soát được dịch. Thành phố mở rộng thêm hoạt động lưu trú tại các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn các quận huyện đã kiểm soát được dịch bệnh với công suất phục vụ tối đa 50%. Các điểm tham quan thuộc địa bàn vùng xanh được hoạt động với công suất tối đa 50%, bảo đảm các điều kiện theo Bộ tiêu chí du lịch.
Một số điểm tham quan/sản phẩm du lịch nội vùng như: huyện Củ Chi: Khu di tích địa đạo Bến Dược, Bến Đình, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Công viên Rin Rin Park, vườn lan Huyền thoại, làng trái cây Trung An,… Huyện Cần Giờ: Khu du lịch Vàm Sác, chiến khu rừng Sác, Đầm Dơi, lâm viên Cần Giờ, chợ Hàng Dương… Một số địa điểm/sản phẩm du lịch khác như: Bảo tàng 3D (quận 7), phố chế tác kim hoàn, con đường chuyên doanh thuốc đông y Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)…
Giai đoạn 2: Từ ngày 01/11 đến ngày 31/12/2021.
Thành phố mở các hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, chủ yếu tại “vùng xanh”. Dịch vụ lữ hành tổ chức theo phương thức khách đoàn đối với các chương trình du lịch có điểm đến tại các tỉnh/thành và đối với khách du lịch từ các tỉnh/thành đến TP.HCM. Người dân ở TP.HCM có thể đi theo đoàn hoặc tự tổ chức chuyến đi, đến các điểm tham quan trên địa bàn Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh.
Trong giai đoạn này, các hoạt động lưu trú tại các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã kiểm soát được dịch bệnh, sẽ được mở rộng thêm với công suất phục vụ tối đa 70%. Thành phố xem xét mở thêm một số dịch vụ cho cơ sở lưu trú, ăn uống tại chỗ, spa... tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh. Các điểm tham quan thuộc vùng xanh được hoạt động với công suất tối đa 70%, bảo đảm các điều kiện theo Bộ tiêu chí du lịch.
Giai đoạn này phát triển thêm các sản phẩm du lịch cho khách nội địa có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện của Bộ tiêu chí du lịch; khách quốc tế đến Phú Quốc theo chương trình thí điểm của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Các sản phẩm nội vùng cũng sẽ hoạt động phục vụ du khách gồm: Thảo cầm viên Sài Gòn, công viên văn hóa Đầm Sen, công viên văn hóa Suối Tiên; tham quan nội đô bằng xe buýt, buýt hai tầng du lịch…
Giai đoạn 3: Năm 2022.
TP.HCM mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và các quốc gia. Thành phố sẽ khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch Covid-19.
Trong năm 2022, TP.HCM sẽ đẩy mạnh triển hoạt động khai công tác liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố với các tỉnh/thành; phát huy vai trò then chốt của iIệp hội Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo; xúc tiến đầu tư vào du lịch, cơ hội hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương…
TP.HCM cũng xác định, thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch. Thành phố tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn Thành phố. Chủ động kết nối với các tỉnh/thành để phát triển tuyển, điểm đến an toàn liên vùng.
Công văn 3040/KH-UBND của Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng lưu ý: Trong cả ba giai đoạn phục hồi nói trên, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô, phạm vi của các loại hình hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết: Thành phố đã có kiến nghị đến Chính phủ về những chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021, giảm 30% thuế giá trị gia tăng, miễn tiền phạt chậm nộp thuế trong năm 2020 và 2021. Đặc biệt các hộ kinh doanh cá thể, gia đình sẽ được miễn hoàn toàn thuế trong quý 3 và 4 của năm 2021.