October 26, 2021 | 18:01 GMT+7

TP.HCM: Sinh viên thực hành, thí nghiệm được ưu tiên học trực tiếp

Thanh Xuân -

Nhưng phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu chưa đáp ứng được điều kiện hoặc không có nhu cầu thì tiếp tục học trực tuyến...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TP.HCM đã từng là tâm dịch của cả nước nhưng hiện nay một số trường đại học trên địa bàn đã có kế hoạch cho sinh viên trở lại học trực tiếp. Trong đó, ưu tiên sinh viên học trực tiếp các học phần thực hành, thí nghiệm, làm đồ án, khóa luận văn. Bởi khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, thành phố đã quyết định thực hiện nới lỏng giãn cách.

Cụ thể, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho phép sinh viên năm cuối được đến phòng thí nghiệm của trường thực hành để hoàn thành đề tài, khóa luận tốt nghiệp từ ngày 25/10. Các sinh viên này phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 (mũi 2 sau 14 ngày) hoặc người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và có giấy chứng nhận do cơ quan thẩm quyền cấp. Và khi đến trường cần thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Trên cơ sở đăng ký của sinh viên, các đơn vị đào tạo sẽ bố trí sinh viên tham gia học tại các phòng thí nghiệm, thực hành và giám sát nghiêm túc quá trình thực hiện.

Tương tự, từ ngày 1/11, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng sẽ tổ chức dạy học, hướng dẫn, nghiên cứu trực tiếp tại trường các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học, khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên có nhu cầu.

Khi dạy-học trực tiếp tại trường, giảng viên, người học phải tiêm đủ liều vaccine và có điều kiện di chuyển đến trường. Đồng thời phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Tối đa, mỗi lớp có 20 người, ưu tiên sinh viên khóa 2018 trở về trước. Nếu sinh viên chưa đáp ứng các điều kiện hoặc không có nhu cầu đăng ký học thì nhà trường sẽ tổ chức các học phần trên khi đáp ứng đủ các điều kiện tổ chức dạy và học, nghiên cứu theo quy định chung.

Còn với học phần lý thuyết, nhà trường sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến theo kế hoạch.

Không chỉ hai trường trên mà Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng có thông báo về kế hoạch giảng dạy, học tập phù hợp với biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, trường tiếp tục dạy trực tuyến đến hết tháng 12/2021 nhưng dự kiến, từ ngày 1/1/2022 sẽ tổ chức dạy-học trực tiếp tại trường với học sinh, sinh viên đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Những học viên, sinh viên chưa tiêm vaccine vẫn tiếp tục học trực tuyến. Các đơn vị căn cứ vào quy định hiện hành, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ sao cho phù hợp với  việc dạy-học trực tiếp tại trường.

Hiện nay, để chuẩn bị cho việc quay lại trường học ở các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và Quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục đại học, học viện, cao đẳng sư phạm và khu ký túc xá. 

Theo đó, với bậc mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trước khi học sinh đến trường, cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch giáo dục, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, y tế tại trường học; yêu cầu học sinh, cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch…

Khi học sinh đến trường phải bảo đảm học sinh được giao nhận tại cổng trường; kịp thời bổ sung trang thiết bị phòng dịch như nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay…; phân công cán bộ giám sát công tác phòng chống dịch…

Khi kết thúc buổi học phải đảm bảo học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang khi rời trường trở về nhà.

Tương tự, với các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm cũng phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng kịch bản giáo dục, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh; bảo đảm trang thiết bị phòng dịch; tuyên truyền với cán bộ, giảng viên, sinh viên về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch…

Với các khu ký túc xá phải phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chóng dịch; thực hiện việc đeo khẩu trang và khi báo y tế; bố trí dung dịch sát khuẩn, thiết bị phục vụ vệ sinh…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các quy định này đã có sự tham vấn của Bộ Y tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate