November 19, 2024 | 16:39 GMT+7

TP.HCM tái diễn cuộc gọi lừa đảo “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp”

Phạm Vinh -

Chiều 18/11, Công an TP.HCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp công an 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức điều tra vụ nhiều phụ huynh bị lừa đảo bằng chiêu gọi điện “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp”…

TP.HCM tái diễn cuộc gọi lừa đảo “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” - Ảnh minh họa.
TP.HCM tái diễn cuộc gọi lừa đảo “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” - Ảnh minh họa.

Cùng ngày 18/11, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận nhiều phụ huynh đến tìm con đang cấp cứu. Tuy nhiên, thông tin các học sinh phải nhập viện cấp cứu, cần chuyển tiền gấp để phẫu thuật là do các đối tượng lừa đảo dựng lên hòng lừa tiền của phụ huynh.

Công an TP.HCM yêu cầu công an các đơn vị phải tiếp nhận tin báo của các phụ huynh, phải lấy lời khai chi tiết; đồng thời, phối hợp nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chức năng tuyên truyền đến người dân để ngăn chặn thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM phối hợp các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương rà soát các số điện thoại đã gọi đến các nạn nhân để báo “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” để điều tra, truy xét; truy tìm số tài khoản của phụ huynh đã chuyển tiền vào.

Theo Công an TP.HCM, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng gần đây có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm lừa đảo qua mạng cũng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn. Trong đó, cách thức lừa đảo gọi điện nộp tiền viện phí cho con em cấp cứu là đánh vào tâm lý phụ huynh.

Công an TP.HCM khuyến cáo phụ huynh khi nhận được cuộc gọi về thủ đoạn trên cần xác minh ngay thông tin để xác thực làm rõ. Phụ huynh có thể liên hệ với nhà trường, đặc biệt thầy cô giáo hoặc gọi cho bảo vệ trường con em đang theo học để xác minh. Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần giữ bình tĩnh và tuyệt đối không nghe theo lời người lạ gọi điện và chuyển khoản.

Theo thống kê, phần lớn các vụ lừa đảo qua mạng là do các đối tượng ở nước ngoài, hoặc người Việt sử dụng số điện thoại đầu số lạ. Số tài khoản nhận tiền của nạn nhân là tài khoản tội phạm mua để sử dụng. Khi nạn nhân báo cơ quan chức năng thì các đối tượng đã chuyển tiền chiếm đoạt qua tài khoản khác. Do đó, việc điều tra xác minh các vụ lừa đảo hết sức khó khăn.

Thời gian qua, Công an TP.HCM đã tham mưu, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý việc mở tài khoản. Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng khá dễ dàng và các đối tượng sử dụng SIM rác, căn cước công dân giả hoặc thuê mở tài khoản lừa đảo.

Do đó, đề nghị các phụ huynh khi nhận được cuộc gọi về thủ đoạn trên cần xác minh ngay thông tin để xác thực làm rõ. Phụ huynh có thể liên hệ với nhà trường, đặc biệt là thầy, cô giáo hoặc gọi cho bảo vệ trường con em mình đang theo học để xác minh.

"Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần giữ bình tĩnh và tuyệt đối không nghe theo lời người lạ gọi điện và chuyển khoản. Với loại tội phạm lừa đảo, việc chính yếu vẫn là phòng ngừa, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước các cuộc gọi lạ”, Công an Thành phố khuyến cáo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate