Điều này cho thấy triển vọng hồi phục kinh tế của TP.HCM trong những tháng kế tiếp, nhất là trong quý 2 và quý 3/2023.
CHỈ SỐ IIP NÓI LÊN NĂNG LỰC PHỤC HỒI KINH TẾ
Cụ thể, số liệu báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, ba tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn TP.HCM giảm 0,9% so cùng kỳ năm 2022. Con số này bình quân chung cả nước theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 2,2% (cả nước giảm 2,2%).
Tăng trưởng IIP của từng tháng trong quý 1/2023 như sau: Tháng 01/2023, chỉ số IIP giảm 21,4% so với tháng 12/2022 do tháng đầu năm là tháng tết, số ngày làm việc thực tế thấp, chỉ hơn hai tuần. Tháng 02/2023, chỉ số IIP tăng 12,4% so với tháng đầu năm và tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2022. Tháng 3/2023, IIP ước tính tăng 4,8% so với tháng 02/2023 và tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2022.
Tính chung, tháng 01 IIP giảm 15% so cùng kỳ; hai tháng đầu năm 2023 giảm 2,5% so cùng kỳ; ba tháng đầu năm giảm 0,9% so cùng kỳ. Điều này cho thấy, trong quý 1/2023, IIP tháng sau tăng hơn tháng trước và mức độ giảm IIP cũng thu hẹp dần qua các tháng.
Nhận định về các chỉ số IIP này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế TP.HCM giảm sâu ở quý 1 nhưng đã có dấu hiệu hồi phục trong thời gian tới.
Đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, ghi nhận IIP quý 1/2023 tăng 8,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,4%); trong đó ngành hóa – dược tăng cao nhất 22,9% (cùng kỳ tăng 18,9%), kế đến là ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 18,5% (cùng kỳ tăng 3,2%). Hai ngành còn lại là cơ khí và hàng điện tử giảm lần lượt là 6,5% và 14,4% (cùng kỳ tương ứng tăng 4% và giảm -12,9%).
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng lý giải, năm ngành công nghiệp có chỉ số IIP giảm trong quý 1/2023 đều là những ngành có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, bao gồm cơ khí, điện tử, dệt, da và sản phẩm liên quan, và sản xuất trang phục. Điều này do tổng cầu thế giới sụt giảm nên số lượng và giá trị đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành công thương TP.HCM cũng cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Gần nhất sẽ là Diễn đàn và hội chợ Hàng Việt Nam xuất khẩu (HCM City Export 2023), diễn ra từ ngày 25 - 28/5/2023, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC.
Phân tích về các chỉ số IIP tăng cao 22,9% đối với ngành hóa dược – cao su và nhựa, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, thực tế sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic đang dần khôi phục. Doanh nghiệp trong lĩnh vực đã ký kết được nhiều đơn hàng từ đầu năm. Người dân ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe và đầu tư cho mảng này cho cá nhân, gia đình ngày càng nhiều hơn. Các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất thuốc hóa dược đẩy mạnh sản xuất, khối lượng sản phẩm sản xuất tăng cao hơn so với cùng kỳ. Chính những yếu tố này đã làm cho chỉ số IIP ngành hóa dược dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tương tự, ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 18,5% cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng, đã thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất đồ uống. Cũng theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện các doanh nghiệp thực phẩm đang nỗ lực mở rộng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là dịp sau Tết Quý Mão. Doanh nghiệp tăng thu mua nguyên liệu, tăng tích trữ để duy trì sản xuất ổn định, giúp IIP của ngành này có xu hướng tăng trong thời gian tới.
DOANH NGHIỆP TIẾP TỤC ĐẦU TƯ
Về đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tính từ ngày 01/01 - 20/3/2023, T đã P.HCM phép 9.788 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 88.856,2 tỷ đồng, tăng 7,0% về giấy phép và giảm 39,1% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, chín ngành dịch vụ chủ yếu có 7.254 doanh nghiệp thành lập, tăng 8,4% so cùng kỳ và chiếm 74,1% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập; vốn đăng ký đạt 61.304 tỷ đồng, giảm 41,3%.
Về cấp phép đầu tư nước ngoài FDI, tính từ ngày 01/01 – 20/3/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố là 497,5 triệu USD, tăng 22,4% so cùng kỳ 2022. Trong đó, cấp mới có 216 dự án với vốn đăng ký đạt 133,2 triệu USD, tăng 30% về vốn so cùng kỳ; điều chỉnh vốn đăng ký có 37 lượt dự án với số vốn tăng 87,1 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 468 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 277,3 triệu USD, giảm 5,9% so với góp vốn cùng kỳ.
Một khảo sát, đánh giá do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương phối hợp thực hiện, về dự báo tình hình quý 2/2023 so với quý 1/2023 trong cộng đồng doanh nghiệp đã cho kết quả: Có 37,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 36,3% giữ ổn định và 26,3% khó khăn hơn. Trong số đó, có 82,1% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý 2/2023. Tỷ lệ này ở khu vực FDI và khối tư nhân tương ứng là 77,5% và 70,9%.
Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý 1/2023 giảm sâu do tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan tình hình thế giới đang biến chuyển phức tạp, cả về kinh tế, tài chính, chuỗi cung ứng lẫn xung đột quân sự, an ninh năng lượng, tình hình trong nước Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu,… Tuy nhiên, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, giãn thuế của các bộ ngành…
Đối với TP.HCM, xác định đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu phải đẩy nhanh đầu tư công để thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách. Các ban, đơn vị chiếm tỷ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm, các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc để giải quyết.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu làm thế nào để chấm dứt tình trạng sở này chờ sở kia, hoặc các sở im lặng không trả lời (cho doanh nghiệp). Sở nào không có ý kiến rõ ràng thì cũng cần báo cáo với Uỷ ban nhân dân Thành phố.